Nguyễn Ngọc Anh sinh năm 1972 trong một gia đình nề nếp tại Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ anh đã có lòng ham mê võ thuật và chặng đường đến với môn thể thao này của anh cũng thực sự chông gai.
Mười bốn tuổi anh bắt đầu bước vào nghiệp võ, ban đầu làm quen với Judo, sau đó chuyển sang các lớp Karatedo, quyền Anh rồi Vovinam. Nhưng tất cả chỉ thực sự bắt đầu khi anh được tiếp xúc với Pencak Silat. Năm 1991 anh trở thành VĐV của đội tuyển Silat quốc gia. Lúc ấy, môn thể thao này còn rất mới mẻ (du nhập vào Việt Nam năm 1989) nhưng nó đã thu hút mạnh mẽ lực lượng thanh thiếu niên tham gia tập luyện. Vì vậy có thể nói anh là một trong những VĐV đầu tiên của môn thể thao này. Năm 1993 Ngọc Anh cùng đội tuyển Silat Việt Nam lần đầu tiên tham dự SEA Games tại Singapore và đoàn đã giành được 4 HCĐ. Sau 2 năm miệt mài tập luyện Ngọc Anh đã tham dự SEA Games 18 (1995) và giành được HCB. Năm 1996, anh từ giã sự nghiệp VĐV và chuyển sang làm công tác huấn luyện.
Năm 1997 trên cương vị là HLV trưởng đội tuyển Silat Việt Nam, Nguyễn Ngọc Anh dẫn quân tham dự giải Vô địch Pencak Silat thế giới tổ chức tại Malaysia và đã giành được 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, xếp hạng 3/21 tại Giải này. Đó là sự mở đầu cho hàng loạt những thành tích vang dội của Pencak Silat Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế. Tham dự SEA Games 19 (1997) giành được 3 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ (đứng thứ 2 toàn đoàn); năm 1999 tham dự SEA Games 20 tại Indonesia đoàn Việt Nam đã vượt qua nước chủ nhà giành ngôi vô địch với 7 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ; Giải Vô địch thế giới (200): 5HCV; SEA Games 21: 6 HCV, 3 HCB, 6 HCĐ; Giải Vô địch Châu Á (2002): 6 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ nhất toàn đoàn; Giải Vô địch thế giới (2002): 12 HCV nhất toàn đoàn; SEA Games 22 (2003): 11 HCV nhất toàn đoàn; Giải Vô địch thế giới (2004): 8 HCV, 9 HCB, 3 HCĐ nhất toàn đoàn.
Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói về những đóng góp của anh mà không nhắc đến việc anh cùng các đồng sự đã tìm ra được một phong cách thi đấu hiệu quả cho đội tuyển Silat Việt Nam. Một phong cách không ào ạt như Indonesia, không va chạm mạnh như của Thái Lan mà hết sức thông minh, tiết kiệm sức lực, dùng tư duy chiến thuật là chính. Lối đánh này rất phù hợp với thể hình của các VĐV Việt Nam, nó không chỉ được kiểm nghiệm qua rất nhiều các giải đấu và được quốc tế đánh giá cao mà hiện nay một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng đề nghị xin gửi quân sang Việt Nam để học tập lối đánh này.
Với những thành công đã đạt được, anh đã nhận được (nhiều giấy khen, bằng khen của Uỷ ban TDTT), xứng đáng được bầu chọn vào vị trí số một trong danh sách HLV tiêu biểu toàn quốc năm 2004.
Có được thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều gian nan vất vả, nếm đủ mọi đắng cay cũng như buồn vui của sự thành công và thất bại. Giờ đây, trên cương vị là HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat quốc gia anh không mong muốn gì hơn là được cống hiến hết sức mình, truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm chuyên môn trong bao năm cho thế hệ trẻ, những người sẽ làm rạng danh Pencak Silat Việt Nam trong tương lai.
Chúng ta tin tưởng rằng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành, dưới sự dìu dắt của HLV Ngyễn Ngọc Anh, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công và có vị trí cao trên đấu trường khu vực và thế giới mà trước mắt là SEA Games 23 tại Philippines.
NTH