Đỗ Ngân Thương đã đem về chiếc HCV ý nghĩa ở nội dung toàn năng cho TDDC. Bởi để có được thành tích ở môn Thể dục này phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí đầu tư. Thể dục là môn thể thao đòi hỏi phải rèn luyện từ nhỏ (5 tuổi) và khổ luyện trong quá trình rất dài mới đạt thành tích (7 đến 9 năm). Trong đó, có được HCV ở môn toàn năng lại là điều khó hơn bởi VĐV sẽ phải khổ luyện để đạt đến đỉnh cao ở cả 4 nội dung (cầu thăng bằng, xà lệch, nhảy ngựa và thể dục tự do).
Kỳ SEA Games trước, dù đã thi đấu hết mình và được đánh giá là thi đấu thành công nhưng Ngân Thương cũng không thể có được tấm HCV quý giá này (chỉ dành HCĐ). Sau khi SEA Games 22 kết thúc, Ngân Thương và đồng đội đã được tập huấn tại Trung Quốc để chuẩn bị cho đợt ra quân lần này. Không phụ lòng những người làm công tác thể thao và đông đảo người hâm mộ, Ngân Thương đã thể hiện thành công bài biểu diễn của mình. Ngoài kỹ thuật điêu luyện cùng với độ khó và độ phức tạp, Ngân Thương đã thể hiện được cái hồn của bài diễn, thuyết phục các trọng tài. Cùng ở nội dung này, Nguyễn Thuỳ Dương đã giành về HCB. Sau khi giành được HCV nội dung toàn năng, Ngân Thương tiếp tục giành HCV ở nội dung cầu thăng bằng.
Thành tích của Ngân Thương và đồng đội không chỉ đơn giản là những tấm huy chương mà còn nói lên được rất nhiều điều. Khi Ngân Thương giành được HCV, Trọng tài Thể dục Việt Nam tại SEA Games, HLV cùng Trưởng Bộ môn Thể dục - Uỷ ban TDTT và đồng đội đã hét lên vì sung sướng cũng là điều dễ hiểu. Những tấm HCV, HCB đã phần nào minh chứng cho những gì họ đã cố gắng, nỗ lực thầm lặng trong suốt những năm qua. Điều đó còn chứng tỏ, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng ngành TDTT đã quan tâm, đầu tư cho Thể dục và khẳng định hướng đi đúng đắn cho Thể dục Việt Nam.
HX