Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Patin cho trẻ em

10 Tháng Sáu 2014

Nhiều lần đi hóng mát ở Hồ Gươm, tôi nghe cậu con trai lèo nhèo: “cho con tập Patin đi mẹ” khi nhìn thấy nam thanh, nữ tú và rất nhiều trẻ em cỡ chỉ khoảng 4-5 tuổi như con tôi lượn vèo vèo trên sân. Cuối cùng, tôi cũng quyết định để con thử tập rồi mới quyết định mua hay không mua một đôi giày trượt (với cái giá không hề rẻ, hơn 1 triệu đồng, chưa kể đồ bảo hộ) để chính thức “nhập môn”.

“Dở khóc, dở cười”

 

Patin cho trẻ em 

Để có thể bắt đầu, tôi thuê hai đôi giày, một cho mẹ, một cho con để cùng tập với cái giá rất phải chăng, 30.000 đồng/giờ tập, kèm theo là một giáo viên dạy miễn phí, có thể chính là người cho thuê giày hoặc... con gái, con trai của cô ấy. Mẹo nhỏ khi đi thuê giày: bạn nên mang theo một đôi tất thật dày để vừa ôm chân, lại tránh được mùi giày đi thuê khá khó chịu.

Mới bắt đầu tập, khi mẹ bắt đầu tự đứng được dưới sự hướng dẫn tận tình của “HLV kiêm bán hàng” thì cậu con trai 4 tuổi “nghịch như quỷ” của tôi bắt đầu khóc nhè vì sợ. Cu cậu khóc trong nước mắt: “Con không tập nữa đâu, con sợ ngã lắm. Đau chân lắm, mỏi chân lắm”... rồi lăn ra đòi… tháo giày. Chị Thanh, HLV cười bảo: “100% các bé dưới 10 tuổi đều khóc đòi bỏ giày vào ngày đầu tiên tập đấy em ạ. Không sao đâu. Khi cháu tự đứng được và nắm vững kỹ thuật cơ bản thì chỉ sau 3 ngày là tự đi thành thạo. Giống như tập bơi vậy, nếu không sợ nước thì nhanh biết bơi mà nếu sợ hãi, không vượt qua được thì mãi mãi không biết bơi. Tập Patin cũng là để con học cách kiên trì, thấy khó vẫn cố gắng, tập trung để vượt qua.”

Nghe vậy, cu cậu nhà tôi bỗng rút lại ý định bỏ cuộc. Ngay bên cạnh, cũng có một bạn khác vừa khóc vừa tập, âu cũng có người “đồng cảnh ngộ”... Thế mà chỉ sau khoảng 30 phút, con tôi đã tự đứng được vững vàng, bắt đầu hào hứng với đôi giày trượt, lại cười nói như chưa từng khóc mếu bao giờ. Mẹ cũng đã bắt đầu trượt được những bước đầu tiên, nghe HLV bảo là tập môn này một tuần 3 buổi thì giảm béo rất tốt thì tôi lại càng ham. Chắc là phải sớm đầu tư cho cả nhà mỗi người một đôi thôi.

Thực tế đã chứng minh, không chỉ tốt cho sức khỏe, rèn luyện tính kiên trì, trượt Patin còn giúp trẻ em tinh thần tự lập và sự tập trung cao độ. Bên cạnh đó, trẻ em trượt Patin rất dễ, không khó như người lớn vì có khả năng thăng bằng tốt hơn (giống như bơi lội vậy). Tuy nhiên, kể cả các bé tập hay là bố mẹ, đều cần phải đeo bảo hiểm cùi tay, đầu gối và quan trọng nhất là mũ bảo hiểm chuyên dụng.

Thấy con hứng khởi, tôi lại bắt đầu công cuộc tìm hiểu các mẫu giày Patin tốt nhất cho con và… sa vào “thế giới” của những đôi giày đặc biệt.

Giày Patin và kỹ thuật luyện tập


Để không quá sa đà vào những hướng dẫn nhan nhản trên mạng, cả gia đình nhỏ bé của tôi đều tham gia CLB Patin tự phát ở tượng đài Lý Thái Tổ. CLB Inline Skate (tên gọi khác của Patin) Lý Thái Tổ hoạt động khá hiệu quả và đều đặn hàng ngày cùng sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Để tham gia CLB này, tức là sẽ được học bài bản cách trượt Patin từ những bước đi đầu tiên, bạn phải nộp một khoản 500 ngàn đồng và thêm 50 ngàn nữa để mua áo đồng phục của CLB. Thế là vừa có bạn tập, vừa học hỏi được kinh nghiệm tư vấn mua giày vừa có… thày dạy tập miễn phí. Thậm chí khi tập giỏi thì còn được tham gia rất nhiều cuộc thi với các CLB khác nhau, thu hút cả những bạn ở Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… vượt đường đất tham gia: đua tốc độ, vượt chướng ngại vật, lướt một chân qua cốc…

Thùy Linh, thành viên CLB mới 14 tuổi nhưng khá dày dạn kinh nghiệm chia sẻ với tôi, một bà mẹ 33 tuổi một cách tự tin: “Quan trọng nhất của môn thể thao này là đôi giày trượt. Tầm 1,5 triệu là cô đã mua được đôi giày có thể dùng cho em vài năm vì mỗi đôi giày Patin đều có khoảng 4 nấc size điều chỉnh kích cỡ. Cô nên mua loại giày có vỏ ngoài được làm từ plastic bọc toàn thân, đảm bảo trọng lượng nhẹ, chắc để cổ chân và giày không bị lệch ra ngoài, có frame (càng) làm bằng hợp kim (tuyệt đối không mua giày càng nhựa vì như thế sẽ nhanh hỏng và làm các bé rất khó trượt dẫn đến không yêu thích môn Patin). Đặc thù của dòng giày trẻ em là chỉnh được cỡ giày (S: 28-32 ) (M: 33-37). Có nhiều loại giày có chế độ chỉnh cỡ, nhưng theo kinh nghiệm của cháu thì cô nên mua loại giày chỉnh cỡ bằng nút ấn (push) mang lại sự dễ dàng và tiện lợi. Như mọi môn thể thao, cô không nên tiếc tiền mua giày xịn vì giày tốt và bền sẽ bảo vệ tối đa cho chân.”

Thế đấy, chỉ sau ít phút, tôi đã tiếp cận được với rất nhiều “chuyên gia” về giày Patin và thực sự học hỏi được nhiều điều thú vị từ họ.

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại giày Patin, rẻ thì khoảng 500.000 đồng, đắt thì có Flying Eagle F6 Falcon giá khoảng 3 triệu đồng (loại đắt nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam). Còn nếu mới tập chơi, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật khó thì nên mua mẫu Flying Eagle X1+, đây là mẫu giày dành cho những bạn mới tập chơi, rất dễ sử dụng và có giá thành hợp lý chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Với trượt Patin thì chấn thương là chuyện quá thường. Cách tốt nhất và nhanh nhất để chữa khỏi là… đứng lên và tiếp tục trượt tiếp. Có thể nói đó là một liều thuốc tinh thần chữa lành vết thương rất hiệu quả của tất cả dân trượt.

Thành Nam, thành viên CLB thì hào hứng kể cho con trai tôi nghe về kinh nghiệm tập: “Hồi đầu mới học, anh thường xuyên bị ngã dập mông hay bị chống đầu gối, xước cùi trỏ ở tay… nhưng chẳng bao giờ phải dán cao hay xoa dầu, cứ đứng lên đi tiếp là quên hết đau. Em là con trai thì phải dũng cảm và kiên trì, nhé!”

Dù sao thì bạn cũng vẫn cần sắm bộ bảo hiểm thật tốt để bảo vệ đôi chân với giá khoảng 150.000-300.000 đồng/bộ.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý khi mua giày, nên chọn giày vừa chân, hoặc hơi chật vì boot (lớp đệm) trong chưa giãn ra nhưng chỉ vài ngày thì sẽ khít với chân, không nên chọn giày rộng chân vì mang một thời gian, boot trong sẽ giãn ra, không còn ôm chân nữa nên bạn sẽ gặp khó khăn khi tập luyện.

Patin có nhiều kỹ thuật tập luyện từ dễ đến khó. Bởi vì môn inline skating có rất nhiều thể loại: Fitness, Speed Skating, Slalom, Hockey, Inline figure skating, Aggressive Skating... Những bạn nữ muốn đi patin để hóng mát (và để giảm cân) có thể chọn thể loại đường trường Fitness hoặc Speed. Tuy nhiên Speed đòi hỏi phải có sân tập đủ tiêu chuẩn bởi tốc độ tối đa có thể lên tới 80km/h, có thể gây chấn thương. Nếu chỉ muốn giảm cân hoặc tập cho khỏe chân, đầu gối, cơ lưng, thì các bạn chỉ cần tập luyện để đi sao đỡ tốn sức và kiểm soát tốc độ là có thể tham gia đi dạo mát quanh Quảng Trường rồi.

Những bạn nào thích kỹ thuật có thể chọn thể loại Salom (đi lượn qua mấy cái ly nhựa để cách đều nhau). Những bạn nào thích cảm giác mạnh thì có thể chơi thể loại Aggressive...

 

Hoàng Mai

Theo tapchithethao.vn

Print

Số lượt xem (6587)/Bình luận (0)

Comments are only visible to subscribers.