Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

’Ánh Viên sẽ chín muồi tại Olympic 2016’

02 Tháng Bảy 2015

'Ánh Viên sẽ chín muồi tại Olympic 2016'

HLV Đặng Anh Tuấn lấy ví dụ mà ông đọc được ở một tài liệu nước ngoài, một VĐV Úc để đoạt HCV Olympic London, ngành thể thao nước này đã chi tới 37 triệu USD. Còn 1 VĐV Anh đoạt HCV Olympic, tốn tới 39 triệu bảng Anh (60,8 triệu USD).
 
Ông Tuấn không so sánh mức đầu tư của Viên với bất kỳ VĐV thế giới nào mà chỉ nói: “Tiền cho Viên tập huấn là tiền thuế của dân và số tiền ấy không phải nhỏ, vì vậy Viên không được phép “phản bội” lại những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó.

Tuy nhiên, quy trình đào tạo một VĐV chuyên nghiệp rất phức tạp, khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn đến vô cùng. Để có được một VĐV đoạt HCV Olympic, hay nằm trong top 3 Olympic, đâu cứ phải chỉ đầu tư tiền của...".
 
Hiện tại Viên đã đoạt 3 chuẩn A (vé chính thức) dự Olympic Brazil 2016 ở các nội dung 400 m hỗn hợp, 200 m hỗn hợp và 200 m tự do. 

“Không thể đòi hỏi con người ta phải có ngay những đột phá về thành tích chỉ trong quãng thời gian ngắn. Viên còn rất non ở ASIAD 17 năm 2014 thì hy vọng ASIAD năm 2018 sẽ có thành tích tốt. Viên cũng rất non ở Olympic London năm 2012 thì hy vọng Olympic Brazil năm 2016 sẽ đạt độ chín muồi. Mà muốn vậy, thì phải kỳ công vô cùng!”, ông Tuấn khẳng định.

Ai bảo Viên không được dùng Iphone, Ipad

Trước khi rời Việt Nam để quay lại Mỹ tập huấn vào trung tuần tháng 6, hai thầy trò Ánh Viên có đến trường quay Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tham dự chương trình dành cho giới trẻ mang tên Ghế không tựa (phát trên kênh VTV6).
 
Gần cuối chương trình ấy, một MC đã tặng cho Viên một cuốn sách với lời đề tặng: Gửi cô gái không dùng smartphone. Trong suy nghĩ của rất, rất nhiều người, Ánh Viên “đi chậm” hơn so với thời đại công nghệ.
 
Ông Tuấn nói ngay: “Rất nhầm nhé. Ai nói Viên không được dùng điện thoại là chưa biết rõ về thầy trò chúng tôi. Tôi không bao giờ bắt Viên thoát ly khỏi sự sôi động của đời sống xã hội.
 
Viên có đầy đủ cả Iphone, Ipad và tiếp nhận thông tin như bình thường. Chỉ có điều, không phải lúc nào tôi cũng cho Viên đọc về chính mình trên báo chí.
 
Có những giai đoạn, tôi “mở cửa” cho Viên để cô bé biết người hâm mộ đang nghĩ gì về mình. Nhưng có những giai đoạn, tôi cấm tiệt. Bởi sự tác động từ bên ngoài, đôi khi đem lại những áp lực nặng nề. Mặc dù so với áp lực của…chính tôi đặt ra với Viên, áp lực của dư luận xã hội có khi còn không bằng!”.
Ông Tuấn cũng kể rằng, trước khi Viên có được một vài thành công như ngày hôm nay, ông cũng từng bị phê phán, chê bai rất nhiều.
 
“Nhưng tôi không để mình sống đau khổ trong sự nghi ngờ. Bởi tôi biết sự nghi ngờ đó là vô căn cứ, là bởi mọi người chưa hiểu đúng về mình. Tôi chọn giải pháp duy nhất là im lặng. Bỏ mọi thứ đằng sau lưng, lao vào làm việc. Hai thầy trò cần mẫn lao động. Để đến một ngày, cảm giác như bị quá tải vì báo chí săn đón đến mức không thở được. Đó là thời kỳ Viên khép lại SEA Games 28 với 8 HCV và phá kỷ lục 8 SEA Games”, ông Tuấn nói
 
Từ Singapore trở về Việt Nam, hai thầy trò xuất hiện với tần số khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, có mặt ở nhiều cuộc giao lưu tại TP.HCM rồi thủ đô Hà Nội.
 
Ông Tuấn giải thích, sở dĩ lần này ông không lẩn tránh, không từ chối, không “cất” Viên vào một “góc” như trước, vì ông muốn thành công và sự nỗ lực tột độ của Viên tác động vào nhận thức của giới trẻ.
 
Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi vui không chỉ vì 8 HCV, 8 kỷ lục SEA Games của Viên mà còn vì hiệu ứng xã hội mạnh mẽ mà Viên đã tạo ra.
 
Tôi đã thấy Viên mang hình tượng của một anh hùng tạo nên thời thế, chứ không phải thời thế tạo nên Ánh Viên. Ở một góc độ nào đó, tuy không phải siêu phàm nhưng Viên cũng đã tạo nên một trang sử mới cho thể thao Việt Nam.
 
Vì thế, tôi quyết định để Viên xuất hiện nhiều trên báo chí vào thời điểm đó, giúp thế hệ 9X nhìn vào Viên như một tấm gương sáng để học tập. Tất cả những phát biểu của Viên xuất phát từ trái tim, khối óc của Viên chứ không phải do tôi ép buộc phải trả lời thế này, thế kia hoặc tôi phải “mớm” lời”.
 
Không coi thầy như… bạo chúa

Lần đầu tiên, chúng tôi dám hỏi ông Tuấn một câu rất thẳng như thế này: “Ông có sợ mình bị biến thành một… bạo chúa trong cách dạy dỗ và quản lý Viên không?”.
Ông Tuấn đã chia sẻ khá dài về vấn đề này: “Cuộc sống của Viên được ép vào khuôn khổ cực kỳ khắt khe. Hồi tập huấn tại Trung Quốc, tôi đã từng bắt Viên nằm trên thành bể để quất vào mông vì làm sai động tác. Từng bữa ăn, giấc ngủ của Viên cũng phải đích thân tôi tính toán, đưa ra nội quy rất nghiêm ngặt.
 
Chẳng hạn ngay vào thời điểm này, Viên đang tập trên núi để rèn thể lực. Thì mỗi sáng, phải nạp đủ 1.000 calorie (trong khi một người lớn bình thường, nạp khoảng 1.000 - 1.200 calorie cho cả ngày). Hoặc bắt buộc 6 giờ 30 sáng phải dậy và 21 giờ 30 phải đi ngủ.
 
Tôi đang đào tạo một VĐV đẳng cấp cao, một hình tượng của thể thao Việt Nam. Chứ không phải dạy dỗ một đứa con (mà dạy dỗ một đứa con thôi cũng đã khó khăn lắm rồi). Viên chưa dám cãi tôi lấy nửa lời. Chỉ cần làm trái ý thầy, không nghe lời thầy (dĩ nhiên ý thầy phải đúng) là tôi stop ngay việc dạy bảo.
 
Tôi nói với Viên, nếu con làm sai, thầy sẽ cho con lần lượt 3 “cơ hội”, đầu tiên là lắng nghe xem mình sai chỗ nào, thứ 2 là sửa chữa khuyết điểm và nếu lần thứ 3 con vẫn không nghe, chứng tỏ hết thuốc chữa, thì thôi, không tập tành gì nữa. 

Viên cũng không được gian dối. Và nếu Viên có biểu hiện là ngôi sao, chỉ trong vòng 30 giây, chưa đầy “3 nốt nhạc”, tôi cũng dừng luôn. Tôi biết Viên rất sợ tôi nhưng đây hoàn toàn không phải nỗi khiếp sợ. Mà là sự tôn trọng tuyệt đối với thầy. Không bao giờ tôi lại nghĩ, Viên coi thầy như bạo chúa cả.

thethao.thanhnien.com.vn

Print

Số lượt xem (2000)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.