Bốn người thì có đến 3 người ôm mộng vô địch, còn một người thì quyết tâm nâng cấp đội bóng của mình. Rồi trái bóng và những vận động phức tạp của nó sẽ trả cho bốn ông thầy những kết cục ra sao?
Những người nhẵn mặt
Alfred Riedl - HLV trưởng ĐT Indonesia đang lập kỷ lục khi trở thành thầy ngoại làm việc lâu nhất (14 năm) ở Đông Nam Á và cầm quân nhiều ĐTQG Đông Nam Á nhất (3 ĐT). 14 năm quanh quẩn ở khu vực này, Riedl đã đi vào lịch sử bóng đá Lào khi lần đầu tiên đưa ĐT U.23 Lào vào chung kết SEA Games năm 2009 (năm SEA Games diễn ra ở Lào) và cùng đưa cả ĐT Việt Nam lẫn ĐT Indonesia vào chung kết các giải đấu khu vực. Nhưng thật lạ, cứ vào đến chung kết thì Riedl lại ngậm ngùi với thân phận về nhì.
Có những cái nhì mà người ta tin Riedl chỉ là nạn nhân, như lần về nhì với ĐT Việt Nam ở Tiger Cup năm 1998 trên sân Hàng Đẫy - một trận đấu mà cho đến bây giờ nhiều người vẫn nghĩ là nếu chúng ta đá đúng sức thì chắc chắn Singapore không có cửa. Nhưng cũng có những cái nhì mà Riedl là "thủ phạm", như lần về nhì cùng ĐT Indonesia ở AFF Cup 2010. Hồi ấy, ai cũng bảo Indonesia mạnh hơn hẳn Malaysia, nhưng những đường binh được lặp đi lặp lại qua các các trận đấu của Reidl đã bị đối phương "bắt bài", và rốt cuộc thì ông thầy Áo đã phải đối diện một đoạn kết không như ý.
AFF Cup năm nay, chuyên gia về nhì Reidl gánh vác nhiệm vụ phải giúp một đội bóng cũng có biệt danh là "chuyên về nhì" - Indonesia (đội đã 4 lần thất bại trong các trận chung kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á) đổi màu số phận. Quá khó khi xét về lực lượng, một Indonesia với những cầu thủ nhập tịch già cỗi không còn mạnh mẽ như trước đây. Và đấy lại là một Indonesia chỉ được hội quân vội vàng đúng 3 tuần trước khi dự giải.
Nhưng dẫu sao thì Reidl cũng đã có một khoảnh khắc nhoẻn miệng cười tươi sau trận đầu cầm chân chủ nhà Việt Nam. Và sau cái khoảnh khắc ấy thì ông tự tin chia sẻ với giới truyền thông: "Chúng tôi sẽ cố gắng vào chung kết". Ồ, vẫn chỉ là "vào chung kết", chứ không phải là "quyết tâm chiến thắng trận chung kết" - điều mà một chuyên gia về nhì như ông chưa từng làm được, và cũng từng một lần nói đến.
Dooley, Riedl, Booth, Miura (từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm trước khi đối đầu nhau trên sân cỏ.
Có một điểm chung giữa Booth và Reidl, đó là trong hơn chục năm hành nghề ở Đông Nam Á, cả hai đều đã dẫn dắt ĐT Lào và CLB Khánh Hoà của Việt Nam. Nhưng nếu như với Reidl hai lần cầm quân ấy giống như hai chặng "nghỉ chân" trong hình trình dẫn dắt các ĐT chiếu trên Đông Nam Á thì với Booth, có lẽ ông chỉ được những đội bóng tầm tầm bậc trung của khu vực này ưa chuộng mà thôi.
Và những tay mơ
So với hai thầy già Reidl và Booth thì HLV trưởng ĐT Philippines Thomas Dooley và ĐTVN Toshyia Miura chắc chắn là những "tay mơ" ở Đông Nam Á.
AFF Cup 2 năm trước, dẫn dắt ĐT Philippines là thầy Đức Michael Weiss, còn AFF Cup 4 năm trước, dẫn dắt Philippines lại là thầy Anh Menemy - người mà không lâu sau đó đã đến làm việc rồi thất bại cay đắng ở CLB Đồng Tâm Long An. Nếu như với Menemy, bóng đá Philippines lần đầu tiên trình làng hàng loạt cầu thủ nhập tịch để rồi vỡ oà hạnh phúc với chiến tích lọt vào bán kết thì đến thầy Đức Michal Weiss mục tiêu được đưa ra rất rõ ràng: phải đoạt ngôi vô địch. Và có lẽ, vì không thể giúp đội này vô địch mà Weiss đã phải khăn gói ra đi. Nói thế để thấy với Thomas Dooley, gánh nặng hiện tại không hề nhỏ.
Khi được hỏi vì sao lại chọn Philippines làm nơi hành nghề thì cựu đội trưởng ĐT Mỹ ở các kỳ World Cup 1994, 1998 cho biết: "Vì, LĐBĐ Philippines đã rất nhiệt tình khi sang Mỹ làm việc với tôi". Và khi được hỏi: "Ông sẽ giúp đội bóng này đi đến đâu?", Dooley không ngại ngần cho biết: "Ngôi vô địch!". Nếu nhìn vào danh sách 20 cầu thủ nhập tịch - những người có thể hình cao to, thể lực dày dặn cùng kinh nghiệm thi đấu quốc tế được tích luỹ qua nhiều năm, có thể thấy mục tiêu mà Dooley nhắc đến không quá xa vời. Nhưng nếu nhìn vào những rạn nứt nội bộ của đội bóng này ngay trước thềm AFF Cup (có tuyển thủ giã từ ĐT vì bất đồng với HLV) và những hiểu biết rất khiêm tốn của Dooley về bóng đá khu vực thì có vẻ cái mục tiêu ấy lại rất đáng nghi ngờ.
HLV Miura (ngoài cùng, bìa trái) không bị bất cứ áp lực thành tích nào. (Ảnh trong trang H.M).
"Vô địch" - đó cũng là từ mà thầy Nhật Toshyia của ĐT Việt Nam nói đến. Mặc dù không bị VFF gây áp lực thành tích, nhưng trong lần đầu tiên dẫn dắt một ĐTQG tham dự một giải đấu chính thức, Miura vẫn mơ đến ngôi cao nhất. Miura thừa nhận, trước khi đến Việt Nam, ông từng xem ĐT Việt Nam thi đấu một trận và nghe những thông tin ở dạng phong thanh về bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung, chứ không hiểu nhiều. Thế nên ông mới bảo: "Tôi bất ngờ về tinh thần thi đấu của ĐT Việt Nam, bởi trước đó tôi cứ nghĩ tinh thần không phải là điểm mạnh của các cầu thủ Đông Nam Á". Sau trận đầu ra quân, ĐT Việt Nam hoà Indonesia 2-2 - hòa trên thế thắng - hoà vì những lỗi lầm sơ đẳng ở hàng phòng ngự, Miura đã tiếc nuối đến mất ngủ. Nhưng như thừa nhận với giới phóng viên thì ông tin ở chặng đường phía trước, tin vào những điều đã làm và đã ước mơ.
Chờ sự phán quyết của số phận
Khi ngồi cùng chung một bàn trong một buổi họp báo, nếu như những ông thầy cao tuổi như Alfred Reidl, David Booth luôn giữ một vẻ ngoài bình thản, kiệm lời thì hai thầy trẻ Dooley và Miura lại không ngừng nhoẻn miệng cười trước ống kính phóng viên. Còn khi cầm quân chỉ đạo trận đấu, nếu Riedl luôn ngồi im, trung thành với cái bút và cuốn sổ tay, nếu Booth đứng lên ngồi xuống theo từng tình huống thì hai người còn lại cứ đứng từ đầu tới cuối. Những tiếng hò hét, những cái vung tay chỉ đạo, những nụ cười, những sự nhăn nhó mà hai con người này thể hiện có tần suất cao hơn hẳn so với hai vị đồng nghiệp cao niên của mình.
Tính đến thời điểm này của cuộc chơi, cơ hội vào bán kết vẫn đang chia đều cho Reidl, Dooley và Miura. Nhưng dĩ nhiên là sau đó chỉ có hai người sở hữu được chiếc vé, và sau đó nữa, hoặc chỉ có một người, hoặc không người nào cả bước lên cái đỉnh sau cùng (vì ở bảng B của giải đấu này, thầy trẻ Kiatisak - Thái Lan cũng đang có rất nhiều lợi thế để đăng quang).
Chắc chắn họ vẫn sẽ bắt tay nhau như đã bắt tay trước khi bước vào cuộc chơi. Nhưng sau cái bắt tay, sau một kết cục mà số phận phán quyết cho mỗi người lại là những tâm trạng, những nỗi niềm rất khác.
Sướng nhất ông Miura
Trong khi HLV Riedl của Indonesia và Dooley của Philippines được LĐBĐ các nước này giao nhiệm vụ phải đoạt ngôi vô địch thì riêng HLV Miura của ĐTVN lại không chịu bất cứ gánh nặng thành tích nào. Nói như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì bóng đá Việt Nam mời Miura làm việc trong vòng 2 năm là để nâng chất bộ mặt ĐT trong một lộ trình dài, chứ không phải là để ham hố những thành tích nhất thời. Ông Dũng cũng nhấn đi nhấn lại rằng, trước đây, cứ sau mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup không thành công là người hâm mộ lại đề nghị cách chức HLV, nhưng nếu hiện nay vẫn làm việc theo kiểu này thì rồi sẽ không ai dám làm HLV ĐT nữa. Riêng David Booth - HLV trưởng ĐT Lào thì gánh vác nhiệm vụ giúp bóng đá Lào thoát khỏi thân phận lót đường. Nhưng hợp đồng giữa Booth với Lào chỉ là một hợp đồng ngắn hạn nên ngay cả khi hoàn thành mục tiêu thì nhà cầm quân người Anh có tại vị hay không vẫn là viễn cảnh hết sức chông chênh.
Điểm sáng Kiatisak?
Ở bảng B AFF Cup 2014, nơi có sự góp mặt của chủ nhà Singapore, Thái Lan, Malaysia và Myanmar thì thầy trẻ Kiatisak của ĐT Thái Lan cũng là một gương mặt rất đáng chú ý. Năm ngoái, "Sắc" dẫn dắt U.23 Thái Lan lấy lại uy thế của mình tại khu vực Đông Nam Á với chức vô địch SEA Games, còn cách đây ít lâu, "Sắc" lại giúp ĐT Olympic Thái Lan ghi điểm với chiến tích lọt vào bán kết Asiad 17 tại Hàn Quốc. Nhận nhiệm vụ dẫn dắt ĐTQG Thái chỉ chưa đầy 2 tháng trước thềm AFF Cup nhưng "Sắc" tự tin với nhiệm vụ đưa ĐT vào chung kết, thậm chí đoạt ngôi vô địch mà mình đặt ra. Lý do: "Trong tay tôi là rất nhiều cầu thủ trẻ, những người đã thường xuyên làm việc với tôi ở ĐT U.23 và ĐT Olympic trước đây" - chia sẻ của "Sắc" với truyền thông Thái.
Còn trong một cuộc trao đổi mới nhất với các nhà báo Việt Nam, "Sắc" tự tin phát biểu: "Chúng tôi sẽ vào chung kết, và thật thú vị nếu đối thủ của chúng tôi lúc ấy là ĐT Việt Nam".
theo thethaovietnam.vn