Hiện tượng Running man khiến những chuyên gia makerting bất ngờ bởi một sự kiện lớn kết hợp với truyền thông có thể biến một số 0 thành một thương hiệu có giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Vấn đề là chúng ta có giữ được hay không mà thôi.
Vũ Xuân Tiến được đi Anh, được coi như một “đại sứ” của Việt Nam, định tấn công cả… showbiz khi chụp hình cùng các hotgirl, đóng một vai trong MV của Hiền Thục.
Năm 2015 này, Vũ Xuân Tiến còn tham gia một chương trình truyền hình thực tế là “Phái mạnh 2015” và lọt vào đến Top 10.
Nhưng nhìn chung, Vũ Xuân Tiến đã không thể trở thành một thương hiệu thật sự bởi anh không còn được chăm sóc khi sự kiện đã nhạt dần. Chính Tiến cũng thừa nhận là không còn muốn được gọi là “Running man”.
Có vẻ như Tiến đã tự đánh mất cơ hội trời cho của mình, hoặc chính anh đã không thể vượt qua cái gọi là “hiện tượng”. Dẫu sao, Tiến cũng là người đi đầu.
Tới đây nếu Manchester City sang Việt Nam thì một ai đó có chạy 10km cũng chưa chắc đã trở thành một “Running man” mới.
Từ thương hiệu đôi khi dễ dàng trở thành …thương hại.
Vũ Xuân Tiến đã không thể trở thành một thương hiệu
Một lần nữa phải nhắc đến câu chuyện HA.GL, câu chuyện của U.19. U.19 từng được đặt tên cho một loại nước giải khát dành riêng cho thể thao. HA.GL từng là thương hiệu đảm bảo cho phòng vé “cháy sạch”.
Bầu Đức cố gắng xây dựng HA.GL trở thành một biểu tượng của cái hay, cái đẹp, biểu tượng của hy vọng vào bóng đá của tương lai khi niềm tin của người hâm mộ đối với bóng đá nước nhà đã gần chạm đáy.
Thế nhưng, trên sân Tam Kỳ-Quảng Nam trong lượt đấu gần nhất, thương hiệu HA.GL đã chuyển thành thương hại… Khán giả đã bắt đầu bỏ về, không có nhu cầu xem Công Phượng, Tuấn Anh thi đấu nữa.
BLV Quang Huy nói một câu rất đau: “HA.GL bây giờ vô phương cứu chữa”. Dường như chúng ta đang đánh mất một thương hiệu.
Nó không giống với trường hợp anh chàng “Running man”, lứa HA.GL này để lại nhiều nuối tiếc và trên hết là nỗi đau. Nỗi đau của người yêu bóng đá đẹp, nỗi đau của nền bóng đá Việt Nam.
theo soha.vn