Việc ngành Thể thao Việt Nam chưa có một quy định cụ thể về chuyện đi, ở của VĐV khiến cho các cuộc tranh chấp hợp đồng lao động xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây.
Hiện tại, ngoại trừ Bóng đá và Bóng chuyền đã có những quy định cụ thể về việc bồi thường, chuyển nhượng VĐV, thì các môn khác vẫn chưa có được quy chế chuyển nhượng VĐV để làm hành lang pháp lý khi các bên xảy ra mâu thuẫn.
Việc thiếu những quy định cụ thể dẫn đến thực trạng nhốn nháo, bất cập với những hiện tượng và chiêu trò của các địa phương, đơn vị đi đêm với các VĐV của các đơn vị khác. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các đơn vị chủ quản cũng sẵn sàng dìm VĐV, tìm cách để gây khó dễ khi họ có nhu cầu ra đi dù lý do đó là chính đáng hay không…
Nguyễn Diệp Phương Trâm được đánh giá là tài năng trẻ của bơi lội Việt Nam Thời điểm hiện tại, việc chuyển nhượng VĐV các môn thể thao của Việt Nam vẫn đang diễn ra theo kiểu tự thỏa thuận, không theo một quy chuẩn nào. Những người làm thể thao Việt Nam vẫn đang phải chấp nhận một thực trạng phổ biến là “mạnh ai nấy chạy và thấy lợi cho mình thì làm”. Ở góc độ chuyên môn, điều này không mang lại tính chuyên nghiệp, lành mạnh trong việc phát phát triển VĐV. Ngược lại, nó có thể làm thui chột tài năng và phá hủy hệ thống đào tạo VĐV trẻ của Thể thao Việt Nam.
Việc các môn thể thao của Việt Nam vẫn chưa có những quy chế cụ thể về việc chuyển nhượng VĐV khiến cho trường hợp đơn phương xin thanh lý hợp đồng của gia đình kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm với Thể thao TP HCM có thể phải lôi nhau ra tòa để giải quyết.
Theo những thông tin mới nhất, sau cuộc gặp giữa luật sư đại diện của Phương Trâm với đại diện Phòng pháp chế, phòng tài chính, Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu và Thanh tra Sở VH-TT TPHCM ngày 1/7 vừa qua, đến ngày 3/7 gia đình của Nguyễn Diệp Phương Trâm đã chính thức thức gửi đơn thanh lý hợp đồng lên Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM. Theo nội dung lá đơn, gia đình Phương Trâm yêu cầu Trung tâm Yết Kiêu phải thanh lý hợp đồng cho Phương Trâm theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, cha của kình ngư trẻ ông Nguyễn Minh Trí cho biết gia đình sẽ chấp nhận đền bù theo những gì đã ký kết theo hợp đồng để bồi hoàn tiền cho nhà nước theo đúng quy định pháp luật nhưng quan điểm ngay từ đầu là không chịu trả theo số tiền 961 triệu đồng mà Trung tâm Yết Kiêu đưa ra. Hiện tại mâu thuẫn của gia đình Phương Trâm và ngành Thể thao TP HCM là việc đền bù hợp đồng 6 năm đào tạo hay 6 tháng theo hợp đồng mới nhất được các bên ký kết.
Là những bộ môn đã có những quy định pháp lý về chuyện đi ở của VĐV khá hoàn thiện nhưng cả Bóng đá và Bóng chuyền cũng đã xảy ra những vụ tranh chấp hợp đồng những năm gần đây. Mới nhất, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã yêu cầu 2 cầu thủ Đức Linh và Ngọc Điều cùng đội bóng chủ quan Xổ số kiến thiết Cần Thơ ngồi lại với nhau để thương lượng. Trước đó Đức Linh, Ngọc Điểu khởi kiện đội bóng Tây Đô về việc mình bị đơn phương thanh lý hợp đồng là trái luật. Năm 2013, trưởng ban Kiểm tra VFF Phạm Thành Long cũng khẳng định việc Chí Công muốn giải quyết tranh chấp hợp đồng với B. Bình Dương ở tòa án là hoàn toàn sai trái và sẽ bị phạt rất nặng, dù đã có những quy định cụ thể nhưng lãnh đạo VFF cũng muốn các bên “dĩ hòa vi quý” trong việc giải quyết tranh chấp.…
Ở bộ môn bóng chuyền, trường hợp “treo tay” và giã từ sự nghiệp của cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Hà là một ví dụ điển hình. Từ vụ việc không đáng có của Hữu Hà hay Đức Linh và Ngọc Điều có thể thấy sự bất cập trong cơ chế hợp đồng và chuyển nhượng cầu thủ ở bóng chuyền, bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Dù các chuyên gia trong nước và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này, nhưng trong suốt những năm gần đây thể thao Việt Nam vẫn đang vướng vào những sự cố thiếu chuyên nghiệp không đáng có.
theo thethaovietnam.vn