Đó là quan điểm của ông Ngô Chí Thành – Nguyên Trưởng bộ môn Thể Thao Dưới nước, HLV trưởng ĐTQG bơi trong cuộc tranh chấp phá vỡ hợp đồng giữa gia đình tài năng trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm và Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu TP HCM.
Trong thể thao, chuyện chuyển nhượng hay VĐV muốn ra đi là một hoạt động rất bình thường. Nhưng đây vẫn đang là một vấn đề đau đầu với những người làm chuyên môn của Thể thao Việt Nam hiện nay. Bởi có một thực tế rõ ràng, dù chuyện chuyển nhượng, đi ở của VĐV được đánh giá là một việc rất bình thường nhưng cho đến nay ngành thể thao vẫn chưa xây dựng được một quy chế chuyển nhượng VĐV “khung” làm hành lang cho dòng chảy đang ngày càng nóng.
Nguyễn Diệp Phương Trâm thi đấu tại SEA Games 28 ở Singapore Một trong những sự việc thu hút sự chú ý của người hâm mộ thể thao nói chung và người trong ngành Thể thao Việt Nam nói riêng những ngày gần đây là cuộc thương lượng về việc chấm dứt hợp đồng giữa gia đình tài năng trẻ làng bơi lội Nguyễn Diệp Phương Trâm và Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu TP HCM.
Trong lá đơn gửi đến Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu TP HCM trước khi tài năng 14 tuổi lên đường tham dự SEA Games 28, gia đình Phương Trâm lấy lý do xin nghỉ là cho con mình đi du học kết hợp bơi lội. Sau khi nhận được lá đơn từ gia đình Phương Trâm, Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu (TPHCM) đã có công văn trả lời rằng sẽ không đòi tiền bồi thường hợp đồng nếu kình ngư 14 tuổi đi du học thực sự. Nhưng nhấn mạnh nếu Phương Trâm chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác, gia đình tài năng trẻ này sẽ phải đền bù số tiền 961 triệu đồng.
Cho rằng con số 961 triệu đồng cùng cách tính của Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu là vô lý, thiếu minh bạch cũng như không tính gì đến đóng góp của VĐV, gia đình Phương Trâm đã nhờ luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch “khởi kiện” vì cho rằng những hợp đồng cũ là không có giá trị và chỉ muốn trả theo hợp đồng mới ký hồi tháng 7-2014. Nếu như vậy thì chỉ có 6 tháng và gia đình Trâm chỉ phải đền bù hơn 100 triệu đồng theo hợp đồng mới (hợp đồng ký vào 1-7-2014 có giá trị 5 năm và kéo dài đến năm 2019).
Việc gia đình Phương Trâm khẳng định chỉ đền bù 100 triệu đồng theo hợp đồng mới ký giữa các bên khiến không ít người nghĩ đến khả năng gia đình tài năng 14 tuổi muốn con mình chuyển sang thi đấu ở một đơn vị khác với những ưu đãi lớn hơn.
Nếu đây là lý do thực sự khiến các bên phải lôi nhau ra tòa trong thời gian tới, có thể nói rằng quyết định của gia đình Phương Trâm đáng trách 1 thì đơn vị đứng đằng sau lưng đáng trách 10. Một lần nữa, họ đã sử dụng cách thức đi đêm trong mục tiêu muốn sở hữu tài năng được đánh giá là “tiểu Ánh Viên” của làng bơi lội Việt Nam. TP HCM là một trong những trung tâm thể lao lớn của cả nước, có những ưu đãi thuộc diện tốt nhất mà còn xảy ra những chuyện như thế này, chắc chắn những trung tâm nhỏ hơn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa trong cuộc chiến giữ chân những tài năng trước sự nhòm ngó bên ngoài.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Chí Thành – Nguyên Trưởng bộ môn Thể Thao Dưới nước, HLV trưởng ĐTQG bơi cho biết việc gia đình Nguyễn Diệp Phương Trâm đưa ra mức đền bù chỉ trong 6 tháng, tính từ bản hợp đồng mới nhất từ tháng 7/2014 với mức chỉ trên 100 triệu đồng, người làm nghề chúng tôi thấy có gì đó bị tổn thương. Ông Thành cho rằng số tiền đền bù này chỉ bằng 1/20 so với số tiền đầu tư thực tế mà Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu đã đầu tư cho tài năng trẻ của làng bơi lội và nó cũng chưa tính đến các khoản vô hình khác.
Ông Thành cũng cho biết gia đình Trâm và chính luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch không chịu hiểu đặc thù của ngành thể thao. Ông nhấn mạnh cách thức xử lý của ngành thể thao TP.HCM rất chuyên nghiệp khi mà họ sẵn sàng để Trâm ra đi mà không lấy một đồng nào nếu Trâm thực sự đi du học hay vì lý do cá nhân. Còn nếu Trâm vẫn tiếp tục tập luyện thi đấu – không loại trừ là cho một đơn vị khác – thì dĩ nhiên phải đền bù phí đào tạo chứ. Và mức 961 triệu đồng, thực ra đơn vị này cũng đã tính rất hợp lý hợp tình.
Ở góc độ chuyên môn ông Thành cho biết nếu chỉ đền bù 100 triệu đồng cho một VĐV bắt đầu thể hiện được tài năng chia tay đơn vị đã bỏ ra 6 năm để đào tạo thì cả hệ thống sẽ rối loạn thực sự. Nếu điều này xảy ra, trong tương lai chẳng còn một đơn vị nào muốn đào tạo VĐV trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực và kết quả trên đấu trường trong nước cũng như quốc tế của ngành Thể thao Việt Nam.
Theo quan điểm của mình, ông Thành cho rằng đây không phải là trường hợp cá biệt, cũng không phải chuyện của TP.HCM mà là cả một vấn đề lớn và nóng của môn bơi và TTVN mà những người có trách nhiệm phải nhìn nhận và giải quyết một cách kịp thời, bài bản. Tránh phá vỡ hệ thống đào tạo trẻ mà ngành Thể thao Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
theo thethaovietnam.vn