Đội tuyển Bơi Việt Nam đã có một kỳ SEA Games 28 thành công về mặt thành tích. Tuy nhiên phía sau đó vẫn là nhiều nỗi lo khi giữa các VĐV trong đội tuyển vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Tham dự SEA Games 28 với lực lượng không phải đông đảo nhưng Bơi là một trong những đội tuyển thành công nhất của đoàn Thể thao Việt Nam. Kết thúc 6 ngày thi đấu, đội tuyển bơi mang về 10 HCV - 2 HCB - 4 HCĐ. Ngôi sao sáng nhất của đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 28 là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái trẻ người Cần Thơ đã lập nên thành tích “vô tiền khoáng hậu” với 8 HCV, “tiểu tiên cá” đã phá vỡ kỷ lục về số HCV cá nhân giành được trong 1 kỳ SEA Games. Kỷ lục cũ thuộc về cựu VĐV Jescelin Yeo và Tao Li của Singapore (7 HCV).
Ánh Viên lập thành tích vô tiền khoáng hậu tại SEA Games 28 Ngoài ra, Ánh Viên còn giành thêm 1 HCB, 1 HCĐ và nhanh chóng trở thành một hiện tượng của làng thể thao Đông Nam Á khi xô đổ 8 kỷ lục SEA Games ở 7 nội dung khác nhau. Thậm chí, giới truyền thông quốc tế còn đặt cho cô biệt danh “Iron Girl” (Cô gái thép). Bên cạnh Ánh Viên thì bơi lội Việt Nam còn chứng kiến thêm một kỳ tích đáng nể khác. Đó chính là thành tích của kình ngư Lâm Quang Nhật ở nội dung bơi tự do 1.500m nam.
Ở vòng chung kết nội dung 1.500m tự do nam, Lâm Quang Nhật đã cán đích đầu tiên với thành tích 15 phút 31 giây 03. Qua đó, phá sâu kỷ lục SEA Games khi nhanh hơn kỷ lục cũ 7 giây 20 do VĐV Ryan Arabejo của Philippines xác lập tại SEA Games 25 (Lào - 2009). Không những vậy, kình ngư sinh năm 1997 còn trở thành người đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games bảo vệ được tấm HCV ở nội dung này.
Là một trong những đội tuyển thành công nhất của đoàn Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, vinh quang ấy hầu như gắn liền với cái tên Ánh Viên (bơi có 10 HCV, 8 thuộc về Ánh Viên, 1 của Quang Nhật và 1 của Quý Phước). Thành ra, để nói đến sự đồng đều thì rõ ràng đội bơi Việt Nam không đồng đều.
Đấy cũng chính là lý do mà tất cả các HCV của đội bơi Việt Nam tại SEA Games 2015 đều là các HCV ở những nội dung cá nhân, không có bất cứ HCV tiếp sức nào. Và đây cũng chính là lý do mà Ánh Viên phải xếp dưới Schooling (Singapore) trên cương vị người giành nhiều HCV nhất đại hội.
Một thực tế đáng lo ngại là sau rất nhiều năm tìm kiếm, bơi lội Việt Nam mới có được cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên. Tất cả các địa phương đi đầu cho việc đầu tư môn bơi như Hà Nội, TP.HCM, Hải phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế giúp bơi lội có những VĐV trẻ. Nhưng, sau Ánh Viên, đến thời điểm này, chúng ta chưa nhìn thấy một trẻ em nào có tiềm năng, có thể vươn đến châu lục, thế giới, đấy là một trở ngại lớn.
Và đây cũng là đề tài mà ngành Thể thao Việt Nam nói chung, cũng như bộ môn bơi nói riêng phải tính. Cần có nhiều Ánh Viên hơn nữa, để thứ nhất là tạo ra sức mạnh mang tính chiều sâu, thứ hai là để chia lửa cho Ánh Viên thứ thiệt, bởi cô không thể dàn trải sức ở quá nhiều nội dung tại mọi giải đấu như thế này mãi. Bản thân Ánh Viên cần có sự tập trung vào những nội dung mà cô mạnh nhất, nhằm tấn công thẳng vào tấm HCV Asiad, cũng như gia nhập đẳng cấp thế giới.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, với thành tích của Ánh Viên ở SEA Games này, những người trong ngành thể thao chớ mừng vội cũng như chỉ biết “ngủ say mà quên không tìm kiếm, đào tạo nhân sự mới”. Bởi phát triển bơi, nâng cao trình độ bơi là đúng hướng, nhưng đây mới là bước khởi đầu. Thể thao Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng hậu bị như thế nào để chúng ta có nhiều Ánh Viên khác, để bơi ra biển lớn của châu lục, thế giới chứ không phải hài lòng với vùng trũng SEA Games”, người từng quản lý thể thao thành tích cao lên tiếng.
theo thethaovietnam.vn