Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Góc nhìn khác về SEA game

03 Tháng Sáu 2015

Tại kỳ SEA Games 27 trên đất Myanmar, đoàn thể thao Việt Nam ước tính đã phải bỏ ra tới 50 tỷ đồng, bao gồm 15 tỷ đồng lệ phí cho nước chủ nhà, 17 tỷ tiền thưởng huy chương, và 19 tỷ ăn uống sinh hoạt cho các thành viên trong nửa tháng diễn ra Đại hội.


Tốn kém 

Tại kỳ SEA Games 27 trên đất Myanmar, đoàn thể thao Việt Nam ước tính đã phải bỏ ra tới 50 tỷ đồng, bao gồm 15 tỷ đồng lệ phí cho nước chủ nhà, 17 tỷ tiền thưởng huy chương, và 19 tỷ ăn uống sinh hoạt cho các thành viên trong nửa tháng diễn ra Đại hội. Số tiền đủ sức giúp vài nghìn người “sống khỏe” trong vòng một năm ấy được đánh đổi bằng 73 HCV của đoàn thể thao Việt Nam, nghĩa là trung bình mỗi chiếc HCV ở SEA Games 27 có giá lên tới 700 triệu đồng. Điều đáng nói là không chỉ có Việt Nam kêu trời vì mức độ chịu chơi của SEA Games, Thái Lan - nước có nền kinh tế hàng đầu khu vực - cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về độ “lạm phát” của sân chơi 2 năm diễn ra một lần này. Theo con số thống kê từ xứ chùa Vàng, họ đã bỏ ra ngót nghét 700 tỷ đồng cho chiến dịch SEA Games 27 để giành lấy 107 HCV, nghĩa là giá mỗi chiếc HCV mà người Thái giành được lên tới… 1,8 tỷ đồng. Thật không thể tin nổi! Tốn kém là vậy nhưng những chiếc HCV SEA Games không đem lại cảm giác “sướng” cho người giành được. Rất nhiều nhà vô địch thế giới phải ngậm đắng nuốt cay ở “ao làng” vì bị trọng tài xử ép. Rất nhiều giọt nước mắt buồn tủi đã rơi vì một chiếc huy chương đắt nhưng chẳng “xắt ra miếng”. Người ta từng hô hào bỏ SEA Games cũng vì lẽ đó. 

Lấy tiền đâu ra? 

Chuyện kêu gọi từ bỏ SEA Games thực ra đã manh nha từ lâu, và bản thân các VĐV cũng luôn ý thức được rất rõ mức độ rủi ro mỗi khi dấn thân vào cái “ao làng” này của Đông Nam Á. Vậy nhưng, họ vẫn tập luyện, đổ mồ hôi thậm chí là máu trong suốt 1 năm trời chuẩn bị cho Đại hội. Được tham dự SEA Games vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ với các VĐV Việt Nam. Bởi đây là sân chơi ở tầm khu vực, là Đại hội dễ nhất để các VĐV có được 1 tấm huy chương ở cấp quốc tế, điều mà ASIAD, Olympic hay các giải vô địch châu lục, thế giới không dễ gì mang lại. Đời VĐV vốn ngắn ngủi nên những tấm HCV ở tầm quốc tế luôn cực kỳ quý giá. Hẳn chưa ai quên hình ảnh VĐV điền kinh Nguyễn Văn Lai ở SEA Games 27. “Người lính” này từng chia sẻ, anh đã ăn tập suốt 10 năm trời chỉ để được đứng ở bục nhận huy chương. Dự SEA Games cũng là cách nhanh nhất để giúp các VĐV đến gần hơn với người hâm mộ. Thử hỏi nếu không có kỳ Đại hội 2 năm/lần này liệu có mấy người trong số Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Văn Lai hay Nguyễn Minh Châu (đều giành 2 HCV ở SEA Games 27) được biết đến. Tuy nhiên, cái sự nổi tiếng ấy lại hiếm khi xuất hiện trong đầu mỗi VĐV trước ngày lên đường làm nhiệm vụ. Rất nhiều VĐV đến với SEA Games bằng nguyên nhân thật hơn, bản ngã hơn và cũng thiết thực hơn, ấy là vì tiền. Bởi ngoài các cầu thủ bóng đá nam, đa phần cuộc sống của các VĐV đều gian khó. Số tiền thưởng 51 triệu đồng ở SEA Games 27 cho chiếc HCV quả vẫn là con số trong mơ. Nó đủ sức giúp bà mẹ Như Ý môn judo có thêm tiền mua sữa cho con, hay người chị Phạm Thị Bình môn điền kinh tạm quên đi gánh nặng nuôi em học đại học. SEA Games có thể thật nhàm chán và đáng để bỏ đi, nhưng nó vẫn là thứ vô cùng tuyệt vời với rất nhiều mảnh đời VĐV

Print

Số lượt xem (1759)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.