Sáng nay, tôi đã bị ông Tuấn “phê bình” vì cái tội cầm sổ, ngồi bệt xuống đất để hỏi Ánh Viên lúc cô cũng đang ngồi bệt để khởi động, chuẩn bị cho “đấu giao hữu” với 15 em nhỏ Hà Nội tại bể bơi Olympic (số 3 Tặng Bạt Hổ).
Lúc đó tôi chưa có ý định phỏng vấn mà chỉ hỏi vài câu vui vui. Ánh Viên đang cười cười trả lời: “Dạ, đồ ăn khách sạn ngon ạ. Em cũng thích lắm. Mà em cũng rất khoái các món ăn ở Hà Nội”, liền im bặt, rồi chăm chú khởi động nốt chỗ dở!
Ông Tuấn quay sang nói: “Để đào tạo một VĐV có đẳng cấp thế giới thì mọi thứ xung quanh VĐV ấy phải chuyên nghiệp gần như ở mức tuyệt đối. Viên đã, đang và tiếp tục phải sống trong môi trường chuyên nghiệp cực kỳ khắc nghiệt.
Chuyên nghiệp trong tập luyện, chuyên nghiệp trong ăn uống, chuyên nghiệp trong sinh hoạt và thậm chí trong cả khâu giao tiếp. Những sự chuyên nghiệp đó biến thành công việc hàng ngày, thấm vào máu, vào huyết quản và trở thành một phần của cuộc đời Viên. Đừng nghĩ rằng đó là sự hy sinh.
Tôi nói với Viên, nếu con không màng đến thành tích thì con chỉ cần tập thể dục cho khỏe mạnh. Còn đã muốn “bơi” ra khu vực, châu Á và thế giới, thì đó là thể thao. Mà thể thao thì vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi phải có kỷ luật thép và ý chí thép”.
Chúng tôi hỏi ông Tuấn: “Sau thành công vang dội của Viên tại SEA Games 28, dư luận xã hội bày tỏ sự cảm phục sâu sắc với Viên nhưng cùng có ý kiến cho rằng, thầy của Viên hơi… “cay nghiệt” khi bắt Viên phải tránh xa tuyệt đối việc giao tiếp trên mạng, sử dụng Facebook, thậm chí đến giờ phút này chưa biết dùng thư điện tử. Vậy, ông sẽ cho Viên làm quen với Facebook chứ?”.
Ông Tuấn suy nghĩ giây lát rồi đáp: “Tại sao lại phải thay đổi nếp sống, nếp làm việc đã được duy trì tốt từ trước đến nay. Đúng, Viên không có trang cá nhân riêng. Nhưng không có nghĩa, Viên không biết gì về đời sống xung quanh mình.
Cách giáo dục Viên được thực hiện một cách đặc biệt và trong đó, tôi chưa hề và không bao giờ có ý định đưa Viên về thời tiền sử. So với nhận thức của bạn bè cùng trang lứa, Viên không hề thua kém, nếu không muốn nói là nhận thức còn tốt hơn.
Tôi rất sợ kiểu đào tạo biến VĐV thành một người dị thường, ngu ngơ, kém hiểu biết. Viên được đào tạo để trở thành một VĐV giỏi về chuyên môn và luôn được lấp đầy về kiến thức xã hội. Có nhiều cách giúp cho Viên nạp kiến thức và Viên hiện đang nạp rất tốt. Tiếp xúc với Viên, bạn có thấy Viên ngơ ngác không? Viên không ngơ ngác. Viên trong sáng và hồn nhiên. Đấy là nét đáng yêu của Viên. Viên đáng yêu chứ không dị biệt”.
Ông Tuấn nhắc lại chữ “hy sinh” mà theo ông: “Tôi khó chịu khi thầy trò tôi bị đánh giá là đã phải hy sinh quá lớn cho sự nghiệp. Mỗi người luôn mang trong mình một mục đích sống, một khát vọng. Chúng tôi sống có mục đích, sống có khát vọng. Thì tại sao lại nói đó là sự hy sinh. Tôi và Viên cực kỳ tự hào khi góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Ở những cuộc thi đấu tại Mỹ, Viên đã làm hãnh diện hình ảnh đất nước Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Không chỉ bằng yếu tố chuyên môn đơn thuần, mà bằng chính cả hình ảnh của Viên nữa”.
theo thethao.thanhnien.com.vn