Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Kích dục thương hại, Quế Ngọc Hải và “con ruồi” Tân Hiệp Phát

19 Tháng Năm 2016

Kích dục thương hại
Cách đây vài tuần khi tôi đang dừng ở ngã tư theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông thì có một người điều khiển xe máy khác vẫn bất chấp, cố lao cắt ngang qua đường.
Rất may anh chàng này đã bị cảnh sát đang điều tiết giao thông ngăn lại. Người cảnh sát sau đó đã mắng người vi phạm luật giao thông này rằng: “Nếu ông muốn chết thì về nhà mà tự tử, đừng ra đường làm khổ người khác”.
Theo tôi những lời lẽ mà viên cảnh sát dành cho anh chàng ý thức kém này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng, ngay lúc đó vẫn có một anh chàng khác vừa lao xe qua ngã tư vừa hét lên với anh cảnh sát giao thông: “Này đừng có mà lớn giọng”.
Điều đáng nói là người đàn ông ấy không chứng kiến toàn bộ vụ việc như tôi, vì anh ấy lưu thông theo hướng không phải dừng đèn đỏ nên chỉ vừa đi ngang qua.
Thế nhưng, có lẽ đã thành một phản xạ tự nhiên của đám đông là nếu thấy cảnh cảnh sát mà mắng dân thì nghiễm nhiên người có lỗi là cảnh sát.
Thực ra đây cũng là tâm lý thông thường. Con người thường có xu hướng mặc nhiên bênh vực kẻ yếu thế, đáng thương dù có thể không biết ngọn ngành vụ việc.
Thậm chí, trong vài năm gần đây báo chí thế giới còn bắt đầu đề cập đến một khái niệm gọi là “poverty porn” (xin tạm dịch là kích dục lòng thương hại theo cách dịch của nhà báo Đinh Đức Hoàng).

 

Theo bách khoa thư mở Wikipedia, “kích dục thương hại” là sử dụng hình tượng đói nghèo, thiệt thòi qua các bài viết, ảnh chụp và phim để kích thích lòng thương hại, nhằm bán báo và kêu gọi quyên góp vật chất…
Về cơ bản, khái niệm này mang hàm ý là lòng thương hại có thể mang lại cảm xúc và kích thích con người chẳng khác gì tình dục (porn).
Thế nên cũng dễ hiểu khi anh cảnh sát trong câu chuyện của tôi vẫn bị mắng oan, cho dù anh này vừa vất vả căng mình điều khiển giao thông, vừa không làm gì sai.
Đơn giản bởi cảnh sát giao thông luôn bị nhìn nhận là người có trong tay quyền lực và có thể sử dụng quyền lực ấy để áp bức người khác. Còn người tham gia giao thông là người yếu thế hơn trong mối quan hệ này.
Do đó, khi ai đó chứng kiến người tham gia giao thông đang bị cảnh sát giao thông mắng thì mặc định là cảnh sát giao thông là người sai, còn người đang bị mắng kia là người cần bảo vệ. Cho dù bản chất vụ việc có thể khác hẳn những gì người ngoài cuộc nghĩ.
Quế Ngọc Hải - Võ Văn Minh có xứng đáng với lòng thương?
“Ngọc Hải có lên tiếng thanh minh, cho rằng lỗi do chơi nhiệt, không phải ác ý. Tuy nhiên, tôi cho rằng trung vệ của Sông Lam đừng biện minh gì cả, chỉ nên ăn năn hối lỗi thì hơn.
Đó là một pha bóng bạo lực, mang tính triệt hạ đối thủ, không thể chấp nhận được” - chuyên gia Vũ Mạnh Hải.
Khái niệm “kích dục thương hại” này cũng có thể áp dụng cho trường hợp của Quế Ngọc Hải và vụ con ruồi Tân Hiệp Phát. Chẳng ai có thể phủ nhận Quế Ngọc Hải là nạn nhân trong án phạt kiểu “ao làng” chẳng giống ai của VFF.
Vì vậy, dĩ nhiên số đông đứng về phía chàng hậu vệ của SLNA. Hệ quả là bất cứ bên liên quan nào có quan hệ trực tiếp với Quế Ngọc Hải trong vụ việc này, cụ thể là VFF, SHB Đà Nẵng và cả Anh Khoa đều có thể trở thành đối tượng bị tấn công.
Điều đáng buồn là sau khi Quế Ngọc Hải đến nhà Anh Khoa trao đủ số tiền 834 triệu đồng điều trị chấn thương cho cầu thủ này thì Anh Khoa bỗng nhiên trở thành đối tượng bị chỉ trích của nhiều người.
Tiền vệ này được xem là nguồn cơn cho những oan ức và vất vả mà Quế Ngọc Hải đang phải chịu đựng. Người ta bỗng quên đi rằng thật ra Anh Khoa mới là người tội nghiệp nhất.
Số tiền 880 triệu kia không phải chảy vào túi của Anh Khoa hay gia đình, mà nó được dùng để chi trả chi phí điều trị chấn thương mà Quế Ngọc Hải đã gây ra. Sau tất cả phía trước Anh Khoa là một tương lai vô cùng mờ mịt và bất định.
Anh chẳng có gì trong tay ngoại trừ một nỗi đau thể xác đang song hành hàng ngày. Chẳng ai dám chắc cầu thủ này có thể trở lại sân cỏ hay không?
Quế Ngọc Hải rơi vào tình cảnh éo le, nhưng xét cho cùng anh vẫn là người có lỗi, khi chơi rắn quá mức cần thiết, gây ra chấn thương rất nặng cho đồng nghiệp.
Trường hợp của Quế Ngọc Hải tương tự như Võ Văn Minh. Nhiều người thương xót cho án phạt 7 năm tù giam của người đàn ông này.
Cũng giống như Quế Ngọc Hải, Võ Văn Minh đáng thương và dễ nhận được sự cảm thông, thương xót từ dư luận khi đứng cạnh đại gia Tân Hiệp Phát, nhưng bản chất của vấn đề là Võ Văn Minh là người có tội.
Hành vi của ông thực sự cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tội này được định nghĩa là “hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Ở đây, Võ Văn Minh đã uy hiếp Tân Hiệp Phát nếu không chịu chi tiền sẽ đưa chai nước Number One lên mạng cũng như thông tin cho báo chí. Đó rõ ràng là tội cưỡng đoạt tài sản.
Sẽ chẳng có gì để nói nếu Võ Văn Minh cư xử một cách văn minh hơn như nhờ đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng theo đường chính thống. Năm 1932, ở Anh đã xảy ra vụ án “ốc sên trong chai bia” rất nổi tiếng.
Một người đàn bà có tên là Donoghue sau khi uống hết một chai bia gừng đã phát hiện ra xác một con ốc sên đã tan rữa trong chai.
Nhưng thay vì làm như ông Võ Văn Minh là yêu cầu nhà sản xuất xì tiền để mua sự im lặng, bà Donoghue đã kiện công ty bia ra tòa đòi bồi thường “tổn thương cá nhân”.
Tòa án sau đó xử bà này thắng kiện và vụ án này sau đã trở thành án lệ cho nhiều nước sử dụng hệ thống pháp luật Anh về quyền của người tiêu dùng.
Con ruồi trong chai Number One chưa chắc đã là lỗi của Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là ông Võ Văn Minh dù nhận được sự thương cảm của cộng đồng song đã phạm luật.
Đấy cũng chính là mặt trái của “kích dục thương hại”. Những người yếu thế dễ dàng được cảm thông chưa chắc đã xứng đáng với tấm thịnh tình ấy của đám đông.

theo soha.vn


Print

Số lượt xem (790)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.