Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Những uẩn khúc khi Đức Long Gia Lai giải thể đội bóng chuyền

11 Tháng Năm 2016

Những uẩn khúc khi Đức Long Gia Lai giải thể đội bóng chuyền

 

ĐLGL rước cúp năm 2013. Ảnh: M.V

1. Ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn ĐLGL cho biết, làm bóng chuyền, trước hết là vì niềm đam mê, vì người hâm mộ và dĩ nhiên đây là kênh để quảng bá thương hiệu… Muốn vậy môi trường bóng chuyền phải trong sạch thật sự từ đội ngũ trọng tài, HLV đến vận động viên. Tiếc rằng, cứ mỗi lần bước vào giải, về thực lực ĐLGL không ngán ngại đối phương, nhưng cái sợ nhất là… trọng tài.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong thi đấu bóng chuyền, có rất nhiều tình huống xảy ra chỉ trong tích tắc, nhiều lúc trọng tài lạm dụng thổi còi theo cảm tính, phổ biến như các lỗi: dính bóng, chạm lưới, vượt đường giữa sân, chạm cọc giới hạn, trong ngoài sân… Đội nào quan hệ, chăm sóc tốt trọng tài thì được ưu ái, còn không sẽ bị thổi ép (?). Trong những thời điểm điểm số cân não, chỉ cần trọng tài thiếu công tâm sẽ khiến kết cục trận đấu đi theo chiều hướng khác.

Bầu Pháp lấy ví dụ điển hình, trận chung kết Cúp Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) năm 2013, khi đối đầu với “đại kình địch” Tràng An Ninh Bình, thầy trò ông Ngọc bị trọng tài ép tơi tả. Bức xúc trước giới còi cờ điều khiển trận đấu này, khán giả tập trung ở Nhà Thi đấu tỉnh Phú Thọ đồng loạt đứng dậy phản ứng trọng tài. Hay gần đây nhất, cách đây vài tháng, khi ĐLGL đối đầu Biên phòng cũng gặp lại cơn ác mộng tương tự. Thậm chí khi đội trưởng gặp trọng tài để trao đổi, còn bị thách đố, hăm dọa…

2. Kể từ khi khai sinh ra đội bóng chuyền ĐLGL, đây là mô hình bóng chuyền tư nhân duy nhất ở nước ta. Không thể phủ nhận, “đứa con tinh thần” này đã góp phần đáng kể trong việc khuếch trương thương hiệu, giúp cho ĐLGL có được như ngày hôm nay. Nhưng kỳ thực, bầu Pháp vẫn chưa hài lòng với cách làm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV).

Việc quảng bá thương hiệu các giải đấu trên các phương tiện truyền thông của VFV vừa thiếu lại vừa yếu, nếu không muốn nói là kém. Thậm chí trang web của VFV, thông tin “nghèo rớt mồng tơi”. Giải Vô địch quốc gia là sân chơi hấp dẫn trong các giải đấu quốc nội, nhưng báo viết chỉ đưa tin lèo tèo vài dòng, truyền hình phát ở những kênh ít được người xem. Thế nên mới có chuyện, nhiều giải đấu chính thức ở nước ta, khán giả đến sân ít hơn cả giải mời.

3. Đức Long Gia Lai không chỉ là đội bóng tư nhân duy nhất trong 5 năm qua của bóng chuyền Việt Nam, đây còn là đội bóng… kỳ lạ. Trụ sở đóng tại Gia Lai, nhưng gần như quanh năm suốt tháng, thầy trò ông Ngọc phải “ăn nhờ, ở đậu”, hết ra Hà Nội lại vào TP. Hồ Chí Minh để tập huấn, chỉ vì trong khoảng thời gian này, Nhà Thi đấu tỉnh Gia Lai xuống cấp trầm trọng, không có chỗ tập. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh phụ công Trọng Linh, trong một lần nhảy đập, khi tiếp sàn bị sập hầm, do ván mục thủng lỗ sâu hoắm, khiến anh vào bệnh viện khâu trên chục mũi ở chân.

Khi ĐLGL bước vào thời kỳ hoàng kim, với 1 chức vô địch quốc gia, 2 lần á quân, cùng nhiều giải thưởng cá nhân và tập thể khác, đó cũng là lúc Nhà Thi đấu tỉnh ta, xuống cấp. Điều này khiến thầy trò ông Ngọc “mắc nợ” người hâm mộ tỉnh nhà, vì những “oanh tạc cơ” sấm sét mang tầm cỡ Đông Nam Á, như Wanchai, Hữu Hà… không có điều kiện bay nhảy, cống hiến những pha bóng hay, những trận cầu đẹp phục vụ người hâm mộ tỉnh nhà.

Lúc có dàn diễn viên xuất sắc lại không có sàn diễn, bây giờ khi Nhà Thi đấu tỉnh đã sửa sang xong, thì ĐLGL giải thể đội bóng.

Theo thethaovietnam.vn

 

Print

Số lượt xem (830)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.