Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

Quần vợt sẽ thay đổi tư duy

13 Tháng Tư 2016

Quần vợt sẽ thay đổi tư duy

 

Hà Nội vẫn chờ đợi

Nếu xét về đầu tư, quần vợt Hà Nội đang là một trong những đơn vị sẵn sàng bỏ tiền nhiều nhất nước. Trong 1 năm, kinh phí mà thể thao thủ đô đổ vào môn quần vợt từ 1-2 tỷ đồng. Số tiền ấy ngoài dành cho những tay vợt trẻ thi đấu thì phần lớn là dành cho thi đấu thành tích cao. Mà lúc này, quần vợt Hà Nội gần như chỉ hướng vào 2 các tên Trịnh Linh Giang và Nguyễn Đắc Tiến. Đấy là chưa kể, quần vợt Hà Nội cũng bạo chi mời 1 chuyên gia quốc tịch Pháp tới tham gia huấn luyện. Cơ sở vật chất đầy đủ, tiền có (đủ trong đầu tư hiện tại), con người có nhưng thật sự vì sao quần vợt đỉnh cao của thủ đô vẫn chưa giành được ngôi vị số 1 vẫn còn là dấu hỏi.

Ngoài những đợt tập huấn tại Singapore, Thái Lan… các tay vợt của Hà Nội còn được tập huấn tại Tây Ban Nha (1 năm/lần). Năm 2015, chương trình này đã được thực hiện. Lò tập tại Tây Ban Nha là lò của tay vợt David Ferrer mở ra. Điều đó cho thấy Linh Giang hay Đắc Tiến đã và đang có cơ hội được tiếp cận tập luyện nhiều hơn với quần vợt đỉnh cao thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo thể thao Hà Nội lại “máu” dồn sức cho môn quần vợt bởi tất cả đều muốn có một tay vợt thành danh sau những đầu tư trên. Tiếc rằng, tới thời điểm hiện tại, dù có đầu tư cao nhưng những gì đổi lại vẫn chưa được như mong muốn. Quần vợt trẻ Việt Nam có Lý Hoàng Nam là đại diện tiêu biểu nhất. Thế nhưng, nhìn vào cách thực hiện thì Hoàng Nam thật sự may mắn và hiệu quả khi ở với đơn vị Becamex Bình Dương. Bởi vì, một đơn vị chỉ dồn sức cho một tay vợt sẽ hiệu quả hơn so với nơi phải dàn trải đầu tư cho nhiều VĐV.

TPHCM mạnh mà không mạnh

Rõ ràng, quần vợt TPHCM vẫn đang mạnh nhất nước. Minh chứng không đâu xa khi tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014, các tay vợt của TPHCM chiếm trọn chức vô địch ở 7 nội dung thi đấu của giải. Dù có ý kiến cho rằng, quần vợt ở Đại hội TDTT vắng mặt Hoàng Nam nên các đơn vị có thể làm mưa làm gió. Tuy nhiên, bản lĩnh vẫn là bản lĩnh. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, quần vợt TPHCM gần nhất có những cái tên nổi danh như Đỗ Minh Quân hay Trần Đức Quỳnh.

Với lứa trẻ, đó là Nguyễn Hoàng Thiên. Thế nhưng, tốt đều lại chưa có ai vượt trội hẳn. Lý Hoàng Nam ở mặt nào đó phản ánh được phẩm chất cá nhân để lần đầu được xứng danh trên bảng vàng (nhóm tuổi trẻ) ở một kỳ Wimbledon. Quần vợt chúng ta chưa ai làm được điều đó. Sự đầu tư mà Sở VH-TT TPHCM dành cho môn quần vợt cũng không nhỏ. Nhưng, nhân tố con người thì chưa ai trội hẳn lên.

Có nhiều yếu tố để hình thành một cá nhân tiêu biểu. Hẳn nhiên, sau khi mỗi VĐV thành công, người ta mới nhìn lại quá trình mà VĐV đó tập luyện thi đấu để đạt được thành tích. Cũng như trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), là VĐV duy nhất được đầu tư hết mình thì chắc chắn sẽ có thành quả tốt. Hoàng Nam cũng vậy. Đến bây giờ, ở nhóm tuổi trẻ và thanh thiếu niên trong môn quần vợt, rất nhiều em VĐV có tố chất tốt.

Nhưng, ai trong số họ dành được “thiện cảm” để đơn vị chủ quản sẵn lòng chi tiền chỉ đầu tư chuyên biệt lại rất khó. Tất cả đều chờ đợi, với “hiệu ứng” Lý Hoàng Nam, trước tiên, quần vợt của từng địa phương sẽ có thêm tài chính đầu tư chiều sâu hơn cho nhiều VĐV. Như thế, sự trải rộng và nhân tố con người mới nhiều hơn để chúng ta có thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế sừng sỏ.

Theo thethaovietnam.vn


Print

Số lượt xem (490)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.