Mấy ngày nay, dự luận và cả công luận đang ồn ào quanh ngôi “thuyền trưởng”- chủ tịch VFF, nhất là sau ý kiến “phủ quyết” của nguyên Tổng cục trưởng TC TDTT Lê Bửu. Người ta không phủ nhận tài kiếm tiền cho BĐVN của vị đương kim chủ tịch Lê Hùng Dũng suốt gần 20 năm qua. Song cũng đặt vấn đề (rất đúng) về những đóng góp của ông này sau khi nhận chức thuyền trưởng VFF nhiệm kỳ 7. Rất rõ ràng, một con thuyền không thể không có thuyền trưởng, không thể để “tài công” được ủy nhiệm muốn lái tới đâu thì lái, không bến bờ, đích đến mông lung.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng
Trong diễn văn tranh cử đầu nhiệm kỳ, thuyền trưởng Lê Hùng Dũng bộc lộ quan điểm Duy Tân- muốn dựa vào hình mẫu và sức mạnh của bóng đá Nhật Bản để làm bóng đá Việt. Một cách làm khác hẳn với những người tiền nhiệm vốn ưu “đồ Tây” trong món ăn “thập cẩm” gồm Áo, Đức, Bồ Đào Nha, Pháp…Chưa đầy nửa nhiệm kỳ, có vẻ như kế hoạch “học theo người Nhật” của ông Hùng Dũng đã bị phá sản với việc VFF đơn phương sa thải cả 2 vị HLV trưởng của các đội tuyển QG nam và nữ. Con thuyền bóng đá VN đang tròng chành ngay chính trong “ao làng” Việt và Đông nam á chứ đừng nói đến chuyện xa khơi- vươn lên tầm châu lục và Thế giới. Hàng loạt doanh nhân từ bỏ ( hoặc đùn đẩy) tài trợ cho các CLB bóng đá bằng các phương cách không giống nhau. Đầu tàu V.league xuống giá nghiêm trọng với việc thay tên đổi chủ, mất thương hiệu của các CLB mùa sau nhanh hơn mùa trước. Nạn cá độ hoành hành trong giới cầu thủ khiến họ dính vòng lao lý, CLB mất tên( Ninh Bình )…Rồi cảnh “tháp lộn ngược” khi số CLB hạng cao đông hơn hạng dưới, lượng khán giả phong trào lớn hơn đỉnh cao. Vào tuổi “bát tuần”, nguyên TC trưởng Lê Bửu không phải không có lý khi chỉ ra cái yếu của bóng đá Việt khi thiếu một ê-kíp giỏi chuyên môn lèo lái con thuyền bóng đá.
Nhưng nói đi cũng phải đáp lại. Với mặt bằng nhân lực hiện tại, ai sẽ là người đảm đương vai Chủ tịch, Phó CT và TTK VFF thay cho những nhân vật hiện tại? Đặt câu hỏi cũng là một cách tự lý giải. Ngôi thuyền trưởng có thể thay bằng một chính khách nhưng với những tấm gương mờ của các chính khách từng làm chủ tịch VFF các nhiệm kỳ trước, vị chính khách nào dám đương đầu với nhiệm vụ khó, bề nổi nên dễ bị công kích như VFF? Đó là chưa kể đến việc thay thế ở giữa nhiệm kỳ của mọt tổ chức xã hội- nghề nghiệp đòi hỏi tiên quyết ở sự dũng cảm từ nhiệm của chính những người trong cuộc.Thay thì có thể nhưng liệu ê-kíp mới có giữ quan điểm làm bóng đá như người cũ hay lại thay đổi theo tư duy nhiệm kỳ bấy lâu nay.
Bóng đá Việt đang mất phương hướng chiến lược về cách phát triển. Vấn đề không phải là ai lèo lái mà hướng đi nhất quán trong nhiều nhiệm kỳ sẽ là như thế nào. Khi chưa có định hướng, mục tiêu rõ ràng thì mọi sự thay đổi sẽ chỉ là vô nghĩa mà thôi. Một “hội nghị Diên hồng” định hướng đi cho bóng đá Việt ở thời điểm này mới là điều cần thiết nhất.
Theo thethaongaynay.vn