Menu

Thư viện ảnh

Góc nhìn chuên gia

VFF lại vội vã “làm chuồng” sau khi “mất bò”!

10 Tháng Năm 2016

VFF lại vội vã “làm chuồng” sau khi “mất bò”!

 

 

Mới đây, tại Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng đá 2016, Ban Kỷ luật đã trình lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) một số dự thảo sửa đổi, trong đó đáng kể nhất là những thay đổi ở Điều 39, liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm cầu thủ đối với “Hành vi xâm phạm thân thể”.


Theo những quy định cũ, nếu một cầu thủ “xâm phạm thân thể” đồng nghiệp, gây ra chấn thương sẽ phải nộp 10 triệu đồng tiền phạt (cho liên đoàn) đồng thời “gánh” chịu toàn bộ chi phí điều trị. Nay, theo dự thảo sửa đổi, số tiền nộp phạt (cho VFF) tuy có tăng lên (15 triệu đồng) nhưng trách nhiệm của cầu thủ với nạn nhân đã được “san sẻ” đáng kể: chỉ phải chịu tối đa 15 tháng lương theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản; còn trong trường hợp là cầu thủ trẻ thì số tiền nộp phạt không vượt quá 50 triệu đồng, các chi phí khác sẽ “do câu lạc bộ đang sử dụng, quản lý cầu thủ trẻ tại thời điểm vi phạm chi trả”.

Không nói ra thì ai cũng rõ, nguyên nhân chính khiến ban Kỷ luật phải sửa đổi điều lệ bắt nguồn từ vụ cầu thủ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) phải bồi thường cho Anh Khoa (SHB. Đà Nẵng) sau một va chạm trên sân cỏ. Chi phí bồi thường ở thời điểm hiện tại lên tới 834 triệu đồng - số tiền mà theo lời cầu thủ xứ Nghệ “vượt quá khả năng chi trả” và Hải phải nhờ tới “gói cứu trợ khẩn cấp” từ bầu Đức (400 triệu đồng) mới có đủ tiền chuyển cho “bị hại”.

Đây không phải lần đầu tiên VFF phải sửa đổi điều lệ. Dăm năm trước, VFF từng có chủ trương mở toang cánh cửa mời các doanh nghiệp “rẽ ngang” sang làm bóng đá mà không có những chế tài đi cùng. Hệ quả tất yếu là sau 2-3 mùa giải, nhiều ông bầu đã đột ngột “nghỉ chơi” khiến giải chuyên nghiệp rối như canh hẹ. Thực tế ấy buộc VFF phải siết lại quy chế và một nội dung mới đã ra đời: đội nào bỏ cuộc giữa chừng sẽ bị đánh tụt xuống hạng Ba, đồng thời phải nộp phạt 100 triệu đồng.

Ngược thời gian xa hơn chút nữa, mùa giải 2008, trước thực trạng các sân bóng trong nước liên tục có biến (khán giả nổi loạn trên khán đài, cầu thủ “hỗn chiến” trên sân cỏ), những người có trách nhiệm đã triệu tập một hội nghị triển khai công tác an ninh - an toàn các giải bóng đá quốc gia với sự tham dự của đại diện Bộ Công an, ban tổ chức các địa phương, đại diện hàng chục CLB và hội cổ động viên 1 số đội. Ngay cả chủ trương mời trọng tài ngoại điều khiển một số trận cầu dễ “vỡ” cũng chỉ được triển khai sau hàng loạt scandal liên quan đến tiếng còi của các vị “vua áo đen”.

Điều đáng nói là các giải pháp trên đây lẽ ra phải được các nhà làm giải tính đến trong đề án nâng cấp giải bóng đá vô địch quốc gia lên chuyên nghiệp (năm 2000) thay vì cách điều hành “vừa thiết kế, vừa thi công”, “mất bò mới lo làm chuồng” như những gì người hâm mộ từng chứng kiến.

Trở lại bản dự thảo sửa đổi Điều 39 của VFF với các hành vi xâm phạm cơ thể của cầu thủ, xét cho cùng đấy cũng là một “cái chuồng” mới sau khi “con bò” đã mất đi. Sự sửa sai này “muộn” (đã có ít nhất 1 cầu thủ phải chịu hậu quả vì điều luật “không giống ai” này) còn hơn không.

Và quan trọng hơn, điều khán giả trông đợi là liên đoàn cùng các ban chuyên môn được ví như “cánh tay nối dài” cần sớm hoàn thiện hệ thống quy định, điều lệ để không còn tình trạng “chữa cháy” bất đắc dĩ.

 

Theo thethaovietnam.vn


 

 

Print

Số lượt xem (584)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.