Đại hội thể thao bãi biển Châu Á – ABG qua 4 lần tổ chức tại các địa điểm như: Bali – Indonexia (2008); Muscat – Oman (2010); Haiyang – Trung Quốc (2012); Phuket – Thái Lan (2014) và sắp tới đây là ABG 5 tại Đà Nẵng – Việt Nam, mỗi lần đăng cai, các thành phố này đều thiết kế những biểu trưng, linh vật riêng mang đậm bản sắc, gây ấn tượng đối với bè bạn quốc tế. Sau đây hãy cùng điểm qua ý nghĩa của những biểu trưng, linh vật này.
ABG 1 – Bali, Indonexia (2008)
Biểu tượng của Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ nhất Bali 2008 cho thấy “nước” là nhân tố tiêu biểu cho các sự kiện thể thao.

Ánh sáng mặt trời từ biểu tượng của Hội đồng Olympic Châu Á tượng trưng cho sự sống của nó đối với sự phát triển thể thao châu Á và năng lượng được lan tỏa từ tình đoàn kết trong OCA. Sự lựa chọn ánh sáng và màu xanh đậm thể hiện màu sắc của nước Bali. 2 đường thẳng đứng tượng trưng cho biểu tượng cổng nhà thờ của người Bali, thể hiện lòng hiếu khách của người dân Bali hoan nghênh và chào đón tất cả các nước trong khu vực đến với Bali.
Dòng chữ “BALI 2008” màu đỏ biểu tượng cho tinh thần thể thao và kiểu chữ nhấn mạnh đến niềm kiêu hãnh của tất cả các vận động viên đến với Bali.
Linh vật chính thức của ABG 1 là chim sáo đá Bali, tên địa phương là “Jalak Bali”. Đây là một loài chim địa phương của đặc biệt của quốc đảo này và được coi như linh vật chính thức của Bali. Con chim sáo đá tượng trưng cho sự độc đáo, đẹp và thiêng liêng giống như thành phố đăng cai Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 1.
ABG 2 – Muscat, Oman (2010)

Với hình tượng chủ đạo của “ánh mặt trời” từ logo của Hội đồng Olympic Châu Á, hình tượng cách điệu như một cánh buồm đang lướt sóng trên mặt biển, hướng tới những thành tích cao trong thi đấu đã gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc tại hình ảnh biểu trưng của Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 2. Câu slogan “Together We Shine” - thể hiện hy vọng, ước mơ về tinh thần thể thao cao thượng, bác ái, lan tỏa và gắn kết đến với mọi người.
ABG 3 - Haiyang – Trung Quốc (2012)
Biểu tượng của Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 3 là sự kết hợp tổng thể và hợp nhất giữa con người với thiên nhiên. Biểu tượng 3 linh vật chuyển động nắm tay nhau tượng trưng cho lối sống hòa thuận trong gia đình của người dân Châu Á.
Ba yếu tố, mặt trời, cát và biển được nhấn mạnh nhằm mục đích thể hiện niềm vui tuyệt vời do các môn thể thao bãi biển mang lại đồng thời phản ánh nền văn hóa độc đáo, sự quyến rũ của thành phố chủ nhà Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần 3.

Ba tư thế chơi thể thao của bóng chuyền bãi biển, bóng đá và bơi lội được kết hợp sử dụng giống như sức nóng của lửa hòa với sự mát lành, trong xanh của nước biển. Ba tư thế cũng là sự kết hợp của niềm đam mê, sức mạnh và vẻ đẹp thể thao, đại diện cho tinh thần thể thao, sức mạnh thi đấu của vận động viên.
Cùng với các tư thế chơi thể thao và ánh nắng của mặt trời phía trên, dòng màu vàng bên dưới đã tạo nên một cảnh sống động và ngoạn mục của thể thao bãi biển Châu Á, đồng thời phản ánh nét duyên dáng, độc đáo, niềm đam mê của ánh nắng mặt trời.
Linh vật của Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần 3 là hình ảnh 3 nhân vật hoạt hình với biểu tượng nguyên mẫu của Rồng Trung Hoa, Phượng hoàng và Mặt trời, những chú linh vật này thể hiện tương ứng với nước biển, ánh sáng mặt trời và bãi biển. Những chú linh vật phản ánh toàn diện khái niệm “Rồng và Phượng hoàng mang thịnh vượng” và “Thiên nhiên và con người là một”, đưa ra những lời chúc tốt đẹp nhất từ thành phố Hải Dương với hy vọng Châu Á và toàn thế giới biết Hải Dương thông qua đại hội lần này.

ABG 4 - Phuket – Thái Lan (2014)

Hình ảnh biểu tượng của Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 4 được tổ chức tại Phuket – Thái Lan có phần “đơn giản” hơn so với những biểu tượng của các kì Đại hội trước đây. Qua quan sát có thể thấy biểu tượng mặt trời của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) vẫn được giữ nằm gọn bên góc cao phía trái, bên dưới là dòng chữ “Đại hội thể thao bãi biển châu Á” cùng lá Quốc kỳ của Thái Lan được cách điệu một cách mềm mại, mang lại cảm giác trẻ trung, tươi mới nhưng với những gam màu xanh vàng tượng trưng cho cát và nước biển vô cùng ấn tượng.
Linh vật của ABG 4 bao gồm 3 chú rùa biển được vẽ theo phong cách hoạt hình ngộ nghĩnh, vui nhộn, tượng trưng cho 3 loài rùa đặc hữu của Thái Lan với lần lượt những cái tên: Sakorn, Sintu và Samut cùng chia sẻ ý nghĩa về yếu tố “nước” - Yếu tố quan trọng bậc nhất của Đại hội.

ABG 5 - Đà Nẵng – Việt Nam
Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 được tổ chức tại Đà Nẵng – Việt Nam với biểu trưng thiết kế mô phỏng hình tượng của Cát và Sóng biển, tạo hình như những vận động viên trẻ, khỏe và năng động cùng ôm vòng biểu tượng của OCA, tạo tư thế biểu diễn các môn thi đấu tại Đại hội thể thao bãi biển Châu Á.

Tất cả các đường nét của logo vươn cao tạo thành hình chữ V lớn tượng trưng cho “Việt Nam – Victory - Lần thứ V”, vừa khẳng định vai trò của nước chủ nhà, vừa nêu bật tinh thần thi đấu và khát vọng vươn lên chiến thắng của các vận động viên.

Linh vật của ABG 5 lần này là hình tượng chú chim Yến, một loại chim đặc trưng của vùng biển miền Trung Việt Nam. Mang ý nghĩa thể hiện tình đoàn kết, hòa bình, sức sống mãnh liệt của toàn nhân loại.
Minh An