Truyền thuyết lý giải về nguồn gốc hình thành của Ngũ Hành Sơn
Xưa kia, có một ông lão sống một mình bên bờ biển. Cuộc sống cứ êm đềm trôi cho tới một ngày, sóng gió nổi lên, từ dưới biển xuất hiện một con giao long lớn. Giao long quằn quại, khứa những đường dài trên bãi biển rồi đẻ ra một quả trứng. Sau đó, giao long trở về biển, thần Kim Quy hiện lên, dùng phép để vùi trứng xuống lớp cát dày rồi giao cho ông lão nhiệm vụ bảo vệ cho hậu duệ của long thần. Thần tặng cho ông một chiếc móng màu nhiệm, nói rằng hễ gặp khó khăn thì hãy ghé tai vào móng thần và sẽ được giúp đỡ.

Vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn bước ra từ truyền thuyết (Ảnh: Internet)
Ông lão vâng lời và đem hết sức mình ra bảo vệ trứng thần. Ban đầu, ông lão dỡ nhà của mình ra để che cho trứng nhưng trứng lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc mà đã nổi hẳn lên trên bãi cát. Ông bèn đào cát sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa và chặt cả cành cây để che nắng, che mưa cho trứng.
Công việc bảo vệ trứng vốn đã không hề đơn giản, ông lão còn gặp phải không ít khó khăn khác. Khi thì có toán người hung hãn toan lao thẳng xe trâu về phía túp lều của ông lão và quả trứng, ông lão hoảng sợ, ghé tai vào móng thần. Bỗng có tiếng nói vang lên, bảo ông lão hãy nằm rạp xuống, ông liền làm theo. Ngay lập tức, chiếc móng biến ra một con mãnh thú giữ tợn, đám người kia thấy thế thì vô cùng kinh hãi và bỏ chạy.
Một lần khác, túp lều của ông bị kẻ gian đốt cháy, không còn chốn nương thân, ông khóc than với móng thần. Kỳ diệu thay, vỏ trứng nứt ra và xuất hiện những hang động lớn với một chiếc giường êm ái, ông lão bước vào trong, nằm lên giường và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi ông lão tỉnh dậy, ông hết sức ngạc nhiên khi bên cạnh mình là một cô gái trẻ dung mạo vô cùng xinh đẹp và gọi lão là cha. Cô gái ấy chính là công chúa long cung được nuôi dưỡng trong vỏ trứng. Trước khi vỏ trứng nứt ra, nàng được nuôi nấng bởi dòng sữa mát lành trong các hang đá, hoa trái do muông thú dâng lên và quần áo của nàng được các chú chim dệt từ những loài hoa đẹp nhất.

Một thoáng cảnh sắc Ngũ Hành Sơn ngày nay (Ảnh: Internet)
Gặp được ông lão, công chúa vui mừng khôn xiết và bày tỏ sự biết ơn đối với ông. Ông lão vẫn chưa hết bàng hoàng bởi lúc này cảnh vật xung quanh đã thay đổi quá đỗi. Vỏ trứng đã biến mất và quanh đây toàn là núi đá và cây cối hoang sơ mà tuyệt đẹp. Ông lúng túng không biết phải đi ra khỏi núi như thế nào và một lần nữa, ông lại ghé tai vào móng rùa thần.
Ra khỏi núi, ông lão tiếp tục nuôi nấng công chúa long cung và dạy nàng những điều hay lẽ phải, những phép tắc của cuộc sống. Nàng công chúa rất hiếu thuận với ông, hơn nữa, nàng còn biết phép thuật và làm thuốc cứu dân.
Chuyện của ông lão và nàng công chúa truyền tới kinh thành, đức vua bèn sai sứ giả tới hỏi cưới công chúa cho hoàng tử. Ông lão chưa biết phải xử trí ra sao thì thần Kim Quy từ dưới biển đi lên và truyền ý chỉ của long vương, đồng ý gả công chúa. Công chúa vâng lời, từ biệt ông lão và theo đoàn tùy tùng của nhà vua về cung. Tiếp sau, ông lão được cũng được thần Kim Quy đón về long cung để sinh sống.
Ngày nay, nơi ông lão ở trước kia vẫn còn những ngọn núi lớn với cỏ cây, hoa trái tươi tốt, chim muông ca hát líu lo và người ta gọi đó là Ngũ Hành Sơn.
Nguồn:http://tourdulichdanang.biz/