Mì Quảng cá lóc có cách chế biến riêng của nó. Để nấu được một tô mì mang đúng hương vị của Đà Nẵng đòi hỏi nhiều công đoạn và tỉ mỉ. Mì trong tô được làm từ gạo. Gạo phải là loại ngon, được mang xay thành bột. Từ đó, người ta mang nước bột gạo đi tráng bánh. Lúc này, người thợ làm mì phải là người khéo tay để cho ra nhhững mẻ bánh mỏng và đều nhau.

Bánh vừa tráng gọi là mì lá, từ lá mì này, người thợ sẽ tiếp tục thoa lên đó một lớp dầu mỏng từ hành phi. Sau đó, mì lá sẽ được xắt thành từng sợi bằng dao, nhịp nhàng và đều tay. Những sợi mì làm ra thơm mùi dầu, mỏng, dễ thấm hương vị, làm tăng sức hút với người ăn.Nước chan mì gọi là nước nhưng và làm từ cá lóc. Cá lóc được làm sạch, cắt thành lát nhỏ, ướp gia vị, um thật thấm và nêm nếm thật vừa ăn. Điểm đặc biệt của món này là xương cá lóc cũng được tận dụng triệt để khi giã nhuyễn và lọc vào nước chan để tăng vị ngọt của món ăn. Dọn món ăn lên, thực khách sẽ có một tô Mì Quảng cá lóc thật ngon lành.Dưới lớp mì là rau sống, trên mặt mì là những lát cá ngon lành, cùng đậu phộng và miếng bánh tráng nướng giòn tạo ra một vị đặc trưng thật hấp dẫn. Thực khách thường thích bẻ nhỏ bánh tráng trộn chung với mì, khi ăn sẽ thấy được sự mềm mại, ngòn ngọt của sợi mì được chế biến tỉ mỉ, xen lẫn là vị béo béo, bùi bùi của miếng bánh tráng nướng. Ai thích ăn cay sẽ thích thú bởi cảm giác cay cay, xộc thẳng lên mũi …

Bên cạnh đó, kèm mì Quảng không thể thiếu một đĩa rau sống. Cũng như nhiều món nước của miền Nam, rau sống đúng kiểu Quảng phải là 1 đĩa đầy um gồm cải non mới nụ, xà lách, hung quế, giá, rau răm, trộn thêm ít bắp chuối và rau muống bào. Khi ăn, tô mì sẽ thật đậm đà và khó quên.. Điều làm nên ấn tượng đó chính là sự kết hợp tinh tế của những sợi mì, những lát cá, những cọng rau …Nguyên liệu hương đồng gió nội rất gần gũi với đời sống hằng ngày của chúng ta. Có lẽ vì thế mà mùi vị giản đơn đấy, nhưng lại gây ấn tượng sâu cho những thực khách dừng chân trên bến đỗ ẩm thực Đà Nẵng, níu lòng họ mỗi khi nhắc đến thành phố và con người nơi đây.
Nguồn: vinpearl.com