Như chúng ta đều biết, Phan Công Thuận mới tốt nghiệp Khoa Giáo dục Thể chất, Đại học Huế. Tại Giải bóng đá sinh viên toàn quốc năm 2015, dù không được đào tạo một cách bài bản nhưng các pha bóng kỹ thuật của Thuận đã thuyết phục được gần như tất cả những ai có mặt. Một số ký giả khuyên Thuận nên liên hệ, thử việc tại Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Đồng Tháp; một số thầy, cô giáo trong bộ môn lại tỏ ý muốn giữ Thuận công tác tại trường sau khi có tấm bằng cử nhân giáo dục thể chất.
Đúng lúc ấy, Thuận được mời ký bản hợp đồng có thời hạn 1 năm với CLB Đồng Tháp và đây chính là “bước ngoặt” lớn trong cuộc đời chàng cử nhân trẻ.
Một đội bóng “thường thường bậc trung” như Đồng Tháp chiêu mộ tân binh trước mùa giải mới là điều hết sức bình thường nhưng nó vô tình nhắc lại câu chuyện đã “xưa như diễm” ở làng cầu quốc nội: ai đó thất nghiệp thì đi đá bóng!
Có một dạo, giải bóng đá vô địch chuyên nghiệp quốc gia được xem là “miền đất hứa” của các “ông Tây”. Người người, nhà nhà đều chuộng “hàng ngoại” còn các CLB thì tràn ngập “lính đánh thuê”. Ấy thế nhưng, xét lý lịch của các “ông Tây” này, người ta không khỏi bất ngờ khi rất nhiều trong số họ trước khi gia nhập V.League hoàn toàn mù tịt về bóng đá - như cầu thủ nọ từng theo đuổi “nghiệp” vắt sữa bò ở quê nhà Uganda. Thậm chí, không ít cầu thủ vốn dĩ sang Việt Nam để du lịch nhưng vì “cạn tiền” đành kiếm việc mưu sinh mà một trong những lối thoát là tìm đến các “tay cò”, nhờ họ giới thiệu đến các CLB thử việc và không ít trong số họ đã trở thành “sao V.League”.
Mà không chỉ giới cầu thủ, rất nhiều “ông bầu” ở ta vốn là nhà tài phiệt hay doanh nhân, một ngày kia “ngẫu hứng” làm bóng đá. Ngay cả Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) một thời - ông Nguyễn Trọng Hỷ - cũng xuất thân từ “dân bóng rổ”.
Sự “dễ dãi” của V.League khiến giới ngoại binh từng lập nghiệp ở đây chia sẻ kinh nghiệm: nếu không có việc làm ở quê nhà thì cứ sang Việt Nam đá bóng! - một “định hướng nghề nghiệp” từng khiến không ít quan chức bóng đá nước ta tự ái.
Trở lại chuyện của “tân binh” Phan Công Thuận. Một thực tế không thể phủ nhận là anh chàng cử nhân - đá bóng này có trình độ học vấn thuộc loại hàng đầu trong số các cầu thủ đang chơi bóng ở dải đất hình chữ S (bạn đọc đừng quên là một ngôi sao được tiếng chỉn chu và biết lo cho tương lai như Công Vinh cũng mới thi đỗ đầu vào đại học tại chức). Thuận lại từng ghi tới 10 bàn thắng ở Giải bóng đá sinh viên toàn quốc - một con số đáng để chờ đợi dẫu sân chơi sinh viên không cùng đẳng cấp với V.League.
Nghiêm Xuân Tú, một cầu thủ xuất thân từ bóng đá hè phố từng thành công khi tham gia V.League trong màu áo các CLB Bóng đá Thanh Hóa và Than Quảng Ninh thì chúng ta cũng có quyền chờ đợi và hy vọng xung quanh những bước chân của một cử nhân bỏ giảng đường để lập nghiệp trên sân cỏ lắm chứ? Biết đâu, Thuận sẽ mở ra một hướng đi mới cho rất nhiều người trong số cả chục vạn cử nhân... chưa có việc làm?
Theo thethaovietnam.vn