Năm nay, mùa đông đã gần tàn, nhưng lạ lùng (có lẽ do thời tiết nóng kéo dài) là thi thoảng qua phố vẫn còn sót lại những chùm phượng chói đỏ trong heo may, nhất là ở miền Trung và miền Nam, khiến lòng người không khỏi bâng khuâng.
Cũng nhiều phóng viên hay chơi chữ về Nguyễn Công Phượng, nương theo tâm trạng hay phong độ của anh: Phượng buồn, Phượng đã vui, Phượng nở muộn,...
Và quả thực, Nguyễn Công Phượng, tựa như tên loài hoa này vậy, chứa đựng quá nhiều điều thú vị, nhiều cảm hứng cho bóng đá Việt Nam. Nói đâu xa, hôm nay, Phượng sẽ “chói đỏ” trong nỗi khát khao của không chỉ riêng anh.
Phượng đạt được 2 bản hợp đồng lớn đầu đời: một với CLB Mito HollyHock; hợp đồng còn lại đưa Phượng trở thành Đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng CLEAR Men của tập đoàn Unilever.
Khi cầu thủ nội đang vật vã tìm chỗ đứng, gây dựng thương hiệu, ở tuổi 21, chưa một cầu thủ Việt Nam nào có được vinh dự và sự thừa nhận khá chắc chắn như Công Phượng.
Tuổi 16, Văn Quyến toả sáng tại VCK U16 châu Á, trên sân nhà Chi Lăng, Đà Nẵng năm 2000.
Một năm sau đó, “thằng béo” được đôn lên đội 1 SLNA và bắt đầu chơi cho các ĐTQG từ năm 2002, khi hàng công của ĐT Việt Nam vẫn còn nhiều danh thủ hơn Quyến hơn chục tuổi. SEA Games 22 năm 2003 tại Mỹ Đình thực sự là giải đấu của Văn Quyến.
Nếu như danh hiệu QBV lần đầu tiên của Lê Công Vinh (năm 2004, ở tuổi 19) bị cho là thiếu thuyết phục, thì bằng với tuổi ấy, Văn Quyến đã chiến thắng tuyệt đối trong các hạng mục bầu chọn danh hiệu cá nhân năm 2003.
Quyến được liệt vào hàng “kỳ nhân dị tướng”, vẫn rất được yêu mến khi đã giải nghệ, một phần vì anh là bậc kỳ tài. Sự nghiệp của Quyến “béo” sẽ rất thênh thang nếu anh không sai lầm.
Địa linh sinh nhân kiệt, Công Phượng cũng người Nghệ An và cũng sớm được biết đến như thần đồng bóng đá.
Có thể nói, Công Phượng và đồng đội đã có công lớn trong việc làm sống dậy tình yêu nơi người hâm mộ, vốn đã nguội lạnh từ cách đây nửa thập niên.
Thời đại công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão, “từ khoá” Công Phượng nổi hơn bất cứ ai trong giới cầu thủ, trên các thanh công cụ tìm kiếm. Sức ép và rất nhiều thị phi nhưng ơn trời, Phượng có nền tảng tốt, cả văn hóa lẫn trình độ đá bóng.
Khả năng ngoại ngữ ổn giúp anh thực sự rất thuận lợi trong chuyến sang Nhật Bản sắp tới. Giấc mơ của Phượng rất lạc quan, bởi anh được nhiều sự hỗ trợ, nhất là từ bầu Đức, một con người dám thực hiện những đột phá táo bạo trong bóng đá.
Sau Tuấn Anh đến Yokohama FC, giờ Công Phượng cập bến Mito HollyHock, và kế đến, có thể Xuân Trường cũng qua K-League của Hàn Quốc.
Thời gian tới, vẫn có niềm tin nhiều cầu thủ Việt Nam khác sẽ ra nước ngoài thi đấu. Nói như bầu Đức, không chỉ mỗi HAGL hưởng lợi trong vụ này.
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao… Hạnh phúc là trên từng chặng hành trình, chứ chẳng phải đích đến.
Nếu cầu thủ trẻ dám cháy hết mình “thời hoa đỏ”, sống có trách nhiệm với bản thân, với trái bóng, với xã hội, chắc chắn sẽ có cơ hội làm nên nghiệp lớn, mà cuộc đời và sự nghiệp của Công Phượng, là một “bài ca” khá lay động.
Tin chắc, ngày hôm nay, rất nhiều cầu thủ trẻ trên dải đất chữ S đang nuôi ước mơ, từ hình ảnh Công Phượng rực rỡ ở tuổi 21.
theo soha.vn