Menu

Thư viện ảnh

Gương mặt thân quen

Đội tuyển Việt Nam thời HLV Hữu Thắng có hơn gì Miura?

27 Tháng Mười 2016

Rất nhiều người từng chê HLV Miura. Số khác, còn nhiều hơn, cho rằng đội tuyển không thể đá đẹp vì HLV Miura không xài cầu thủ HA Gia Lai. Nhưng qua trận đấu với Iraq thì đã thấy, có những cầu thủ ấy, chúng ta cũng chẳng thể đá đẹp, nếu đối thủ thật sự có trình độ.

Đá đẹp hay không đẹp còn tùy vào đối thủ và tùy vào tính chất trận đấu

Thậm chí, trong trận đấu với Iraq vừa kết thúc, HLV Nguyễn Hữu Thắng lần lượt phải thay bộ đôi tiền vệ xuất thân từ CLB HA Gia Lai những người được xem là hạt nhân chính trong việc tạo nên lối chơi đẹp cho đội tuyển Việt Nam, gồm Xuân Trường và Tuấn Anh, trước khi trận đấu kết thúc vài chục phút.

Cơ bản là trong khoảng thời gian hiện diện ở trên sân, những cầu thủ này không thể kiểm soát bóng như thế mạnh của họ, cũng không thể đá đẹp, không thể thực hiện các pha ban bật mà người ta từng chờ đợi ở họ. Thậm chí, số đường chuyền hỏng, số lần giữ bóng lâu hơn mức cần thiết của cả Tuấn Anh lẫn Xuân Trường, trước khi để đối phương cướp bóng và phản công khá nhiều.

Rất đơn giản, đối phương có trình độ, biết cách áp sát và gây áp lực thì những cầu thủ nọ muốn kiểm soát bóng cũng chẳng được, muốn ban bật với đồng đội hoặc muốn tìm khoảng trống trong hệ thống phòng ngự của đối phương cũng chẳng thấy.

Thành ra mới có chuyện họ hầu như mất hút trên sân: Thực tế là những cầu thủ vào sân thay Tuấn Anh và Xuân Trường như Đình Tùng, rồi Ngọc Hải khi được đẩy lên đá tiền vệ đã chơi tốt hơn 2 cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai, tạo ra được nhiều đột biến hơn.

Đội tuyển Việt Nam thời HLV Hữu Thắng có hơn gì Miura? - ảnh 1
Trước đối thủ có trình độ, đội tuyển Việt Nam không thể đá đẹp, dù vẫn sử dụng nhiều cầu thủ xuất thân từ "lò" HA Gia Lai (ảnh: Nhật Đoàn)

Âu đó cũng không phải là điều lạ, bởi những cầu thủ đấy vẫn còn khá trẻ, vẫn còn cần thời gian để trui rèn bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc. Ở đây, giờ thì có lẽ nhiều người đã bắt đầu hiểu vì sao HLV Miura thời còn tại vị không phải lúc nào cũng nhất nhất xài những cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của bầu Đức trong mọi tình huống, ở mọi trận đấu.

Thấy rõ là vị HLV người Nhật hồi đấy vẫn tạo điều kiện cho những Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn. Tuy nhiên, xài họ ở mức độ nào, sử dụng họ trong trường hợp nào thì còn phụ thuộc vào đối thủ và phụ thuộc vào diễn biến trên sân.

Chưa phát huy tốt di sản của ông Miura

Dĩ nhiên, như đã từng đề cập, HLV Miura khi còn tại vị cũng có một số điểm dở, như chuyện ông xáo trộn đội hình quá nhiều, nhiều đến mức mất ổn định. Tuy nhiên, qua trận đấu với Iraq, người ta có lẽ cũng nhận ra một điều khác, rằng tại sao vị HLV người Nhật trước sau vẫn đặt ưu tiên yếu tố thể lực lên hàng đầu.

Thua về thể lực, thua về khả năng tranh chấp thì đừng mơ đến chuyện có thể có một trận đấu ngang ngửa với đối phương, cũng đừng mơ đến khả năng gây bất ngờ.

Nói một cách công bằng, tỷ số thua 0-1 của đội tuyển Việt Nam trước Iraq chưa phản ánh đúng diễn biến trận đấu, chưa phản ánh chính xác việc đội bóng Tây Á lấn lướt hoàn toàn chúng ta. Và thật ra thì Iraq về cuối trận cũng không nhất thiết phải ghi thêm bàn thắng, vì thắng 1 bàn với họ là đã đủ để đi tiếp vào vòng sau, nên đội tuyển Việt Nam mới thoát khỏi trận thua đậm.

Cái thua đầu tiên và cái thua lớn nhất chính là thể lực. Đội tuyển Việt Nam trong suốt trận không có cơ hội rõ rệt nào, khác xa so với trận lượt đi cách nay vài tháng: Trước khi Iraq hồi đấy ghi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ thứ 6, đội bóng của HLV Miura khi đó còn có ít nhất 2 cơ hội gia tăng khoảng cách dẫn bàn, nếu Công Vinh và Mạc Hồng Quân chính xác trong khâu dứt điểm.

HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh nhận định nếu không thể cải thiện được thể lực thì đội tuyển Việt Nam khó đi đến đích xung quanh những mục tiêu của chúng ta, vì đầu tiên chúng ta đã không đủ khả năng theo kịp các trận cầu ở trình độ cao.

Có thể thông cảm đội tuyển hiện nay chỉ mới tập trung chưa lâu, nên mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, sẽ là rất đáng tiếc nếu chúng ta tiếp tục trở về với xuất phát điểm dễ hụt hơi vì thể lực kém, thay vì kế thừa cách chuẩn bị thể lực quá tốt mà HLV Miura đã xây dựng nên.

Chẳng lẽ bóng đá Việt Nam đang quay trở lại với cái vòng luẩn quẩn là cứ mỗi đợt thay HLV lại gần như làm lại từ đầu, thay vì tiếp tục kế thừa di sản, kế thừa cái hay, mặt mạnh của người tiền nhiệm?!


Tổng hợp


Print

Số lượt xem (2363)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.