Giang đã giã từ cuộc sống sau khi chứng tỏ niềm khát khao và nỗ lực vượt khó tới tận cùng.
Cựu võ sĩ 24 tuổi để lại nỗi day dứt, cũng là niềm nuối tiếc khôn nguôi, bởi dường như trong 8 năm chiến đấu với bệnh tật quái ác, ngoài sự bất công của số phận mà Giang chỉ biết trách ông trời, võ sĩ trẻ còn phải gánh chịu nghịch cảnh, gắn với cái mà người ta vẫn nói là sự “bạc” của nghiệp thể thao.
Đến với taekwondo từ nhỏ, mới 15 tuổi đạt tới đẳng cấp của võ sĩ hàng đầu thế giới, là niềm hy vọng số 1 cho mục tiêu huy chương Olympic, song khi dính bệnh Giang đã gần như trở về với 2 bàn tay trắng.
Khi đó, dù nằm trong danh sách VĐV trọng điểm chương trình thế hệ vàng của thể thao TP HCM, Giang vẫn không phải là người “trong khung”, chưa được mua bảo hiểm y tế.
Hoàng Hà Giang là tài năng thể thao lớn ở môn taekwondo nhưng gặp nhiều bi kịch trong cuộc sống.
Hoàng Hà Giang là tài năng thể thao lớn ở môn taekwondo nhưng gặp nhiều bi kịch trong cuộc sống.
Lãnh đạo thể thao thành phố lớn nhất nước luôn dành cho Giang sự ưu tiên đặc biệt nhưng tất cả chỉ mang tính vận dụng linh hoạt, từ kinh phí điều trị cho đến thu nhập.
Do không thể tập luyện, thi đấu và có thành tích nên mỗi năm Giang bị giáng một cấp, cuối cùng chỉ còn giữ mức 3 triệu đồng mỗi tháng cho VĐV tuyến thấp nhất.
Khoản lương chưa đủ tiền điều trị căn bệnh rất hao tiền tốn của và đòi hỏi thời gian lâu dài, chứ chưa nói đến việc học hành, sinh hoạt.
Cách đây 2 năm, Giang chính thức chia tay thể thao, nhận một khoản trợ cấp theo quy định, để bắt đầu vào đời.
Khi ấy, để tiếp tục có tiền chiến đấu với bệnh tật và học hành, cựu võ sĩ nhỏ bé ốm yếu ấy phải làm rất nhiều việc, từ làm bán thời gian tại Hội Võ thuật TP HCM với mức 1,4 triệu đồng, tham gia lớp huấn luyện võ với mức 100 nghìn đồng/buổi.
Giang không thể tránh được số mệnh song tình cảnh sẽ hoàn toàn khác nếu chị là một người trong khung, chẳng hạn là HLV hay cán bộ nhân viên của ngành thể thao, có bảo hiểm y tế.
Khi đó, chị sẽ được đảm bảo một cách cơ bản kinh phí điều trị, chưa kể còn có thể nhận được những hình thức san sẻ, hỗ trợ cần thiết khác cả về tinh thần, vật chất từ ngành thể thao.
Giang và gia đình đã không phải đơn độc trong cuộc chiến, chỉ với chiếc thẻ y tế tự nguyện có mức chi trả thấp, cùng lòng hảo tâm của các thầy, đồng đội và người yêu thể thao, hay kể cả từ ngành thể thao (song vẫn là… vận dụng linh hoạt trong mức có thể).
Trong cả hành trình vượt lên số phận của mình, khoản tiền lớn nhất mà Giang được hỗ trợ, 138 triệu đồng, lại đến từ hoạt động quyên góp và trận đấu từ thiện ủng hộ.
Trường hợp của võ sĩ bạc mệnh Hoàng Hà Giang lại một lần nữa cho thấy còn những bất cập, phần nào giống như “lỗ hổng” trong chế độ đãi ngộ đối với VĐV, nhất là những người không may dính chấn thương hay bệnh tật, phải giải nghệ sớm.
theo soha.vn