Các thay đổi của luật bóng chuyền bãi biển

Các thay đổi, bổ sung của Luật BCBB (2013 – 2016) không nhiều, tuy nhiên, ngoài các chi tiết khác với luật cũ, thì ở Điều 1.3, chiều rộng đường biên giới hạn của sân được “mặc định” phải là 5cm (trước đây cho phép từ 5 – 8cm do đặc thù dây của sân trên mặt cát).
Hay khi bóng ngoài cuộc, chỉ có đội trưởng (trước đây là bất kỳ cầu thủ nào) mới có quyền xin tạm dừng trận đấu và chỉ có anh (hoặc chị) ta được tiếp xúc để đề nghị trọng tài giải thích hoặc làm rõ một điều luật. Nếu chưa đồng ý với lời giải thích, thì ngay lập tức phải báo cho trọng tài thứ nhất biết, rằng đội mình muốn tiến hành thủ tục khiếu nại. Ngoài ra đội trưởng còn có quyền đề nghị: thay đổi trang phục thi đấu; kiểm tra thứ tự phát bóng; kiểm tra lưới, bóng, mặt sân; sửa lại đường biên v.v (Điều 5).
Điểm đáng lưu ý là về lỗi chạm lưới (Điều 11.3). VĐV chạm lưới thì không phạm lỗi, trừ khi ảnh hưởng đến hoạt động thi đấu. Như vậy, lỗi của VĐV ở lưới (Điều 11.4) là khi họ có những hành động làm ảnh hưởng đến hoạt động thi đấu của đối phương trong một số trường hợp sau: Chạm mép trên của lưới hoặc chạm phần trên (80 cm) của cọc giới hạn trong khi đánh bóng; dùng lưới làm vật hỗ trợ khi đánh bóng; tạo sự thuận lợi hơn đối phương bởi việc chạm lưới; cản trở đối phương đánh bóng hợp lệ. Khung phạt đối với các lỗi gần như không khác trước nhưng hình thức sử dụng thẻ phạt lại tương tự thay đổi của Luật BCTN (2013 – 2016): dãn biên độ áp dụng thẻ phạt từ 3 lên thành 4 mức độ. Cụ thể, đối với lỗi trì hoãn (Điều 16.2), lần đầu tiên của đội bị “cảnh cáo lỗi trì hoãn” – đồng nghĩa với việc “bị” trọng tài rút thẻ vàng (trước đây trọng tài chỉ dùng lời nói và hiệu tay về phía cổ tay đeo đồng hồ); lần thứ hai và những lần tiếp theo do bất cứ thành viên nào của đội trong trận đấu đều bị phạt thẻ đỏ (trước đây là thẻ vàng) – mất một điểm.
Theo sanchoi.com.vn