Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII, ngày 1/9/2004, Uỷ ban TDTT đã có kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành TDTT năm 2005 (số 215/UBTDTT-VP). Kế hoạch này đã được thảo luận và quán triện tại Hội nghị triển khai công tác năm 2005 của toàn ngành họp vào tháng 2/2005. Tiếp theo đó, ngày 18/4/2005, Uỷ ban TDTT đã có văn bản số 530/UBTDTT-VP về việc hướng dẫn xét chọn danh hiệu chiến sỹ thi đua và điển hình tiên tiến ngành TDTT năm 2005. Uỷ ban TDTT cũng đã thành lập Ban tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành gồm 12 thành viên do đồng chí Nguyễn Trọng Hỷ - Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT làm Trưởng ban tổ chức và thành lập 3 tiểu ban giúp việc Ban tổ chức để chuẩn bị tiến hành Đại hội gồm: Tiểu ban nội dung (6 đồng chí), Tiểu ban tài chính, hậu cần, vận động tài trợ (7 đồng chí) và Tiểu ban tuyên truyền (6 đồng chí). Ban tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành TDTT đã xác định Đại hội sẽ tiến hành trong vòng 2 ngày cuối tháng 9/2005.
Theo kế hoạch, các trường Đại học và Cao đẳng TDTT của ngành phải tiến hành Đại hội Thi đua của cấp mình xong trước kỳ nghỉ hè năm học 2004 - 2005; các Sở TDTT các thành phố và tỉnh trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Uỷ ban TDTT, các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao phải làm xong việc bình xét và Đại hội của cấp mình trước tháng 8/2005.
Thời gian từ nay tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn ngành không còn nhiều, trong khi các công việc từ tổ chức Hội nghị thi đua các cấp đến việc xét duyệt, công nhận các danh hiệu thi đua tiên tiến của các địa phương, của toàn ngành... lại còn rất nhiều; đòi hỏi phải khẩn trương, thận trọng, tỷ mỷ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiến hành tổng kết thật tốt, thật dân chủ, khách quan. Phải khẳng định những mặt làm được, làm tốt, làm nhạy bén và có tác dụng thiết thực đến phong trào thi đua TDTT; đồng thời cũng phải chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, tồn đọng từ việc xác định nội dung, thường xuyên đổi mới trong trào thi đua... đến việc tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào này trong các đối tượng của TDTT. Vấn đề tuyên dương khen thưởng những cá nhân và tập thể thi đua tiên tiến xuất sắc tại Đại hội là một việc phải làm và là một nội dung quan trọng của Đại hội. Nhưng sẽ khen thưởng cho những ai, cho những tập thể nào là điều phải cân nhắc kỹ và thận trọng. Khen thưởng đúng sẽ có tác dụng động viên, phát triển mạnh mẽ đối với phong trào; ngược lại nếu khen thưởng chưa đúng, chưa "tâm phục, khẩu phục" thì tác dụng sẽ ngược lại. Vì vậy phải nắm chắc và kiên quyết thực hiện đúng các tiêu chuẩn đã đề ra; kiên quyết không nể nang, cào bằng; phải tìm cho được những người và tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để khen thưởng. Như vậy, ngay từ khâu bình xét ở cơ sở đến cấp Trung ương đều phải tuân thủ quy trình và nguyên tắc, tiêu chuẩn đã đề ra.
Xét ở một khía cạnh nào đó thì bản thân hoạt động TDTT đã "tự nó" bao hàm nội dung thi đua - thi đấu. Các hoạt động này lại diễn ra công khai trước sự chứng kiến, phán xét của hàng triệu khán giả hâm mộ. Vì thế, việc bình xét các điển hình thi đua tiên tiến của ngành TDTT giai đoạn 2000 - 2005, cũng không loại trừ đặc điểm này.
Ngày 5/10/2000, tại Hà Nội, ngành TDTT đã tiến hành "Đại hội Thi đua yêu nước ngành TDTT thời kỳ đổi mới". Tại Đại hội này chúng ta đã có 2 tập thể được tặng Huân chương độc lập hạng Ba, 2 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng Nhì và 14 cá nhân được Huân chương lao động hạng Ba, 18 tập thể và cá nhân được tặng Cờ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 9 cá nhân được tuyên dương danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc" và 62 cá nhân được tuyên dương danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành TDTT". Đoàn đại biểu của ngành TDTT tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI - 2000 gồm có 6 đồng chí:
* Bộ trưởng Hà Quang Dự, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT)
* Đồng chí Vương Bích Thắng, Chánh Văn phòng Uỷ ban TDTT, thường trực Hội đồng TĐ-KT.
* Đồng chí Nguyễn Đình Khoái, Vụ trưởng Vụ TTTT Cao 1, Chiến sỹ thi đua toàn quốc.
* 8 VĐV Trần Hiếu Ngân, HCB Taekwondo Đại hội Olympic Sydney 2000 (của tỉnh Phú Yên)
* Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Vô địch Cờ vua thế giới U10 (của Tỉnh Kiên Giang). Trường Sơn là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI.
* VĐV Nguyễn Thuý Hiền - vô địch thế giới Wushu (của Hà Nội)
Khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2005, sự nghiệp TDTT nước nhà đã có bước phát triển vượt bậc cả về bề rộng và thành tích thể thao, cả về cơ sở vật chất và trình độ nghiệp vụ, tổ chức... Xã hội hoá hoạt động TDTT được đẩy mạnh, đưa tỷ lệ người thường xuyên tham gia luyện tập TDTT trong toàn quốc lên tới 17,4% dân số với nhiều nội dung và hình thức tập luyện phong phú, đa dạng, phù hợp cho mọi đối tượng, vùng miền; các nguồn lực trong xã hội bước đầu đã được huy động để phát triển sự nghiệp TDTT... Thành tích của các vận động viên tài năng của đất nước đã được phát huy và đóng góp vào những thắng lợi lớn của Thể thao Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế - đặc biệt là ở SEA Games 22 - 2003, ở ASIAD 2002, và ở nhiều giải vô địch từng môn của khu vưcj, châu lục và thế giới... Diện mạo của TDTT nước nhà những năm đầu của thế kỷ XXI đã đổi mới, khang trang lên rất nhiều. Đó chính là những nét chấm phá, hứa hẹn sự thành công tốt đẹp của Đại hội Thi đua yêu nước ngành TDTT năm 2005.