Dù khả năng "thống trị" của TPHCM ở các nội dung của nữ đã được dự báo từ trước, song việc thâu tóm 4 tấm HCV và sự xuất sắc của Mỹ Trang vẫn là được coi là khá bất ngờ, bởi đại đa số các đội tham dự đều có sự chuẩn bị lực lượng hết sức chu đáo. Sau khi góp công lớn vào việc bảo vệ ngôi vô địch cho VT TPHCM ở nội dung đồng đội nữ (có chiến thắng quan trọng trước Việt Linh trong trận chung kết với Bộ CA), Mỹ Trang tiếp tục thể hiện phong độ hết sức ổn định ở các nội dung cá nhân. Cụ thể, chủ lực số 1 của ĐTQG đã lên ngôi số 1 nội dung đơn nữ (đánh bại Thiên Kim 4-0 trong trận chung kết) và cùng với Quỳnh Trâm, Huy Bảo hoàn tất "bộ sưu tập" HCV ở nội dung đôi nữ, đôi nam.
Trong khi đó, ở các nội dung còn lại là sự phân chia "quyền lực" giữa 3 đối thủ nặng ký đã được dự báo từ trước gồm: Quân đội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và HN.T&T. Những tưởng các cây vợt trẻ khoác áo lính (Quang Linh, Thành Luân, Văn Nam) sẽ tiếp tục tạo nên các cú sốc khác sau khi đăng quang ngôi vô địch đồng đội. Dẫu vậy, điều này đã không xảy ra khi các cây vợt gạo cội của ĐTQG như Kiến Quốc, Tuấn Quỳnh, Huy Hoàng đều rất xuất sắc ở các cuộc chạy đua còn lại. Tuấn Quỳnh đem về tấm HCV duy nhất cho HN.T&T với việc lên ngôi ở nội dung đơn nam. Trong khi đó, Duy Hoàng/Ngọc Thuận cũng giúp TĐDKVN có được tấm HCV đôi nam.
Về chuyên môn, điểm sáng của giải năm nay là sự trưởng thành của các cây vợt trẻ như Thành Luân (Quân đội), Đức Hoàng, Duy Hoàng (TĐDKVN), Hoàng Chung (XMHT Hải Dương)… Với những gì đã thể hiện, nếu được tiếp tục bồi dưỡng và có kế hoạch cọ xát quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm, số này hoàn toàn có thể từng bước thay thế các "đàn anh" gánh vác trọng trách của bóng bàn Việt Nam trong tương lai không xa. Tuy nhiên ở giải nữ, tiếng chuông báo động lại tiếp tục vang lên, khi lực lượng kế cận khá mỏng và có chất lượng chỉ ở mức trung bình. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh bóng bàn nữ, sự rút lui của các cây vợt Mai Xuân Hằng (VT TPHCM), Vũ Thị Hà (Quân đội) sẽ tạo nên lỗ hổng không dễ khỏa lấp ở ĐTQG và đem về nỗi lo ở SEA Games 26 trước mắt.
Ở một góc nhìn khác, trật tự thứ hạng trên bản đồ Bóng bàn Việt Nam có ít nhiều xáo trộn được nhìn nhận như những tín hiệu vui và là thành công bước đầu của việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xã hội hóa. Sự xuất hiện thêm hàng loạt các CLB với mô hình đội bóng - doanh nghiệp, cùng những khoản đầu tư khá lớn về tài chính đã đem lại diện mạo mới cho Bóng bàn Việt Nam vốn đã quá "cũ" trong thời gian dài từ quá khứ.
Xếp hạng toàn đoàn: 1. TPHCM (4 HCV); 2. HN.T&T (1, 2, 3); 3. TĐDKVN (1, 2, 0); 4. Quân đội (1, 1, 2); 5. HQ Tiền Giang (0, 1, 4); 6. Bộ CA (0, 1, 2); 7. XMHT Hải Dương (0, 0, 2); 8. Vĩnh Long (0, 0, 1).
Kết quả chung cuộc: Đồng đội nam: 1. Quân đội; 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 3. XMHT Hải Dương, HN.T&T. Đồng đội nữ: 1. VT TPHCM; 2. Bộ CA; 3. HQ Tiền Giang, Vĩnh Long. Đơn nam: 1. Tuấn Quỳnh (HN.T&T); 2, Kiến Quốc (TĐDKVN); 3. Hoàng Chung (XMHT Hải Dương), Thành Luân (QĐ). Đơn nữ: 1. Mỹ Trang (VT TPHCM); 2. Thiên Kim (HQ.TG); 3. Việt Linh (Bộ CA), Tường Giang (HQ.TG). Đôi nam: 1. Ngọc Thuận/Duy Hoàng (TĐDKVN); 2. Quang Linh/ Thành Luân (QĐ); 3. Văn Nam/Đức Luân (QĐ), Mạnh Cường /Ngọc Tú (HN.T&T). Đôi nữ: Mỹ Trang/Quỳnh Trâm (VT TPHCM); Minh Hải/Thu Hà (HN. T&T); 3. Minh Thúy/Thanh Huyền (HN), Thiên Kim/Phương Dung (HQ Tiền Giang). Đôi nam nữ: 1. Huy Bảo/Mỹ Trang (TPHCM); Huy Hoàng/Hồng Tâm (HN.T&T); 3. Ngọc Tú/Minh Hải (HN.T&T), Minh Hiếu/Ngân Giang (HQ Tiền Giang).
|
Thuỵ Miên