 |
Xe đạp quốc tế xuyên Việt - một trong các hoạt động TDTT ý nghĩa
chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: TT) |
Để thực hiện Chương trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT đã phối hợp với Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam…. tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao với chất lượng chuyên môn cao và số lượng người tham dự rất lớn.
Trong đó, nổi bật là 6 hoạt động tiêu biểu gồm: Liên hoan quốc tế Võ thuật cổ truyền lần thứ 2 (từ 1-4/8) tổ chức tại Bình Định đã thu hút hơn 2000 người tham dự của 65 đoàn quốc tế và tới 30 đoàn trong nước. 2000 người cũng là số người tham dự biểu diễn các môn phái Võ thuật cổ truyền diễn ra tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa – Hà Nội. Các võ sinh tham dự đến từ 5 đoàn quốc tế và 30 môn phái của các tỉnh trong nước, 40 môn phái của Hà Nội. Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Challenger (20 – 25/4/2010) quy tụ 15 đoàn quốc tế với 159 VĐV nam, 199 VĐV nữ, 51 HLV, cán bộ và 17 HLV, 61 VĐV trong nước. Diễn ra từ ngày 23/9 đến 9/10 từ TP Hồ Chí Minh qua 17 tỉnh thành với tổng chiều dài 1.800km, giải Xe đạp nam quốc tế xuyên Việt về đến Thủ đô Hà Nội đúng vào ngày Đại lễ lại càng thêm ý nghĩa. Giải có sự tham dự của 2 đoàn quốc tế với 5 VĐV và 2 HLV và 11 đội xe các tỉnh, thành, 59 VĐV.
Và điểm nhấn của 5 sự kiện thể thao đó chính là giải Bóng đá quốc tế chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tổ chức tại SVĐ Mỹ Đình và tại SVĐ Thống Nhất – TP Hồ Chí Minh. Đội tuyển Bóng đá Việt Nam xuất sắc giành giải Nhì (tại Hà Nội) và đội tuyển Bóng đá Olympic Việt Nam giành giải Nhất (tại TP Hồ Chí Minh).
Để tổ chức các giải thể thao đó, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sáchh nhà nước đảm bảo chi hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức cho 2 giải, Tổng cục TDTT đã vận động các nguồn tài trợ và chủ yếu dùng kinh phí xã hội hoá. Trong đó, giải Cầu lông quốc tế và giải Võ thuật cổ truyền Hà Nội hoàn toàn tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hoá. Riêng giải Bóng đá và giải Xe đạp nam xuyên Việt sử dụng nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn từ công tác xã hội hoá. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổng cục TDTT đã quán triệt cho các đơn vị tinh thần tiết kiệm kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Chi tiết sử dụng kinh phí, Tổng cục TDTT đã có báo cáo gửi Bộ VH,TT&DL.
Đạt được những thành công từ các hoạt động đó, Tổng cục TDTT đã phối hợp với Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao ban hành thư mời tài trợ, tham dự đến các Liên đoàn thể thao quốc tế, đơn vị, doanh nghiệp trong nước. Đồng thời thực hiện các công việc: xây dựng dự toán kinh phí, khảo sát cơ sở vật chất, xây dựng và ban hành Điều lệ thi đấu, tham mưu trình lãnh đạo Bộ VH,TT&DL thành lập BCĐ, BTC, các Ban chuyên môn, Ban Trọng tài của các hoạt động thể thao.
Sau khi lãnh đạo Bộ VH,TT&DL phê duyệt chủ trương, dự toán kinh phí, Tổng cục TDTT đã tổ chức họp BTC và các Tiểu ban, xây dựng kế hoạch công tác cho từng hoạt động cụ thể cũng như lịch thi đấu, các kịch bản lễ trao thưởng chi tiết của từng giải thi đấu tại mỗi địa phương.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động thi đấu đó, Tổng cục TDTT và BTC các giải đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành liên quan đảm bảo công tác tổ chức đạt kết quả chuyên môn cao, đồng thời phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, các cơ quan Thông tấn báo chí, truyền thông tích cực truyên truyền cho các hoạt động thi đấu thể thao chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
HX