Phó Chủ tịch nước nêu rõ: Sau tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 35/CT-TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới đến nay, được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, cùng với nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cả nước, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có bước phát triển mới cả về hình thức và nội dung, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức tốt hơn về vai trò, vị trí quan trọng và ý nghĩa thúc đẩy to lớn của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Việc sao nhãng, xem nhẹ công tác thi đua trong đội ngũ lãnh đạo địa phương, các cấp, các ngành cơ bản được khắc phục. Ðây là một trong những kết quả rất quan trọng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, học tập quán triệt tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát động đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005), thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương và Luật Thi đua khen thưởng... cơ bản được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc và có kết quả. Kết quả cụ thể cho thấy, phần lớn các đơn vị khi tổ chức phong trào thi đua đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương... Nhờ vậy, phong trào thi đua trong thời gian qua đã đi vào nền nếp, thực sự chuyển biến cả về chiều rộng và chiều sâu, hiệu quả và ý nghĩa thực tiễn của phong trào được nâng lên đáng kể.
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho rằng: Tuy vẫn còn những tồn tại, khiếm khuyết nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào thi đua; nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa tốt; hiện tượng phô trương thành tích, hình thức, lãng phí trong việc đón nhận danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, đơn vị... Nhưng có thể nói, công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, động viên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðại hội Thi đua toàn quốc lần này (được tổ chức vào tháng 10/2005), ngoài ý nghĩa là đỉnh cao, là kết tinh của phong trào thi đua yêu nước từ cơ sở, nhằm tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình tốt trong phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc ta. Ðồng thời qua việc tổng kết từ cơ sở, chúng ta nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về phong trào thi đua của đất nước; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu; tìm ra những nguyên nhân của sự hạn chế, khiếm khuyết về công tác thi đua, khen thưởng để từ đó giúp cho Ðảng, Nhà nước có những giải pháp thích hợp tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới. Ðại hội còn có ý nghĩa động viên toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm đầu thiên niên kỷ mới (2001-2005), tạo đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm tiếp theo (2006-2010).
Với ý nghĩa to lớn đó, để tiến hành Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII thành công tốt đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005), trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng khi được ban hành đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mà trước tiên là đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên. Coi đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc phát động, tổ chức triển khai và vận động quần chúng hăng hái tham gia thi đua yêu nước. Các ngành, các cấp cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, nhất là tổ chức bộ máy ở cấp quận, huyện và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cấp phường, xã. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng và hiệu quả của phong trào…/.