Sáng nay (30/7) tại khách sạn Thắng Lợi, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo thường kỳ với sự tham dự của hơn 90 phóng viên các báo đài. Buổi họp báo thường kỳ còn vinh dự được đón Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường.
 |
Thứ trưởng Trần Chiến Thắng tại buổi họp báo (Ảnh: Thế Thiện) |
Tại buổi họp báo, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình (văn phòng Tổng cục Du lịch) đã trình bày bản báo cáo về những hoạt động mà ngành Du lịch đã làm được trong 7 tháng đầu năm cũng như những nhiệm vụ phải thực hiện trong 5 tháng cuối năm.
Trong 7 tháng đầu năm, song song với việc ổn định tổ chức bộ máy, Tổng cục Du lịch đã tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch gồm: Xây dựng và hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định số 92-CP về hướng dẫn thi hành Luật Du lịch; Xây dựng và hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú Việt Nam; bên cạnh đó ngành Du lịch còn thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ giao như: Chiến lược phát triển Du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; -Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030; - Đề án phát triển du lịch các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2008); - Đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 (dự kiến trình thủ tướng Chính phủ vào quý III/2008); - Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
 |
Có hơn 90 phóng viên báo chí tới dự họp báo (Ảnh: Thế Thiện) |
Xúc tiến quảng bá du lịch là một trong những nội dung quan trọng mà ngành Du lịch đã tích cực thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2008 với các hoạt động như: Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá cho Năm Du lịch quốc gia 2008 với chủ đề "Miệt vườn sông nước Cửu Long", tổ chức tại Cần Thơ. Hợp tác với ngành Hàng không, Ngoại giao, VCCI và các hãng thông tin, truyền thông trong và ngoài nước, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam. Tổ chức gặp gỡ 100 hãng lữ hành thuôc Hiệp hội các nhà quản lý Lữ hành (IATM); phối hợp tổ chức các sự kiện du lịch tại địa phương như: các Lễ hội du lịch, Hội chợ DLQT ITE, Diễn đàn Du lịch Á - Âu (ASEM) tại Tp. Hồ Chí Minh... Tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam qua những sự kiện lớn được nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin như: Festival Huế 2008, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tổ chức tại Nha Trang, Hoa hậu Du lịch ... Tham dự các Hội chợ, triển lãm du lịch như: ATF 2008 tại Thái Lan, ITB tại Berlin, các hội chợ tại Paris, Nga, Tây Ban Nha, và Hội chợ UTAZAT 2008 tại Hungary; Xúc tiến xây dựng kế hoạch Marketing Du lịch Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015. Phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên xây dựng đề án Năm Du lịch 2009 với chủ đề Tây Nguyên Xanh trình Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những tác động dây chuyền ảnh hưởng đến dòng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và hoạt động của ngành Du lịch trong nước (trong đó có việc tăng giá) thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt nam trong 7 tháng đầu năm 2008 ước đạt 2.619.287 lượt khách, tăng 10,6% so với 7 tháng đầu năm 2007 đạt 52,3% so với kế hoạch năm.
Từ kết quả trên, trong 5 tháng cuối năm 2008, ngoài việc sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ quan trọng như: Kiện toàn tổ chức, nhân sự của Tổng cục, các vụ và các đơn vị trực thuộc; Tiếp tục hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Quy chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú. Tổ chức triển khai, hướng dẫn các thông tư này trên phạm vi cả nước; Hoàn thành một số đề án, quy hoạch phát triển du lịch do Chính phủ giao; Tổ chức Diễn đàn Du lịch Á - Âu (ASEM) tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9/2008; Tiếp tục chuẩn bị tổ chức diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF và TRAVEX 2009; tổ chức thành công năm Du lịch quốc gia 2008; cũng như phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên xây dựng Đề án năm Du lịch quốc gia 2009; Xây dựng kế hoạch năm 2009. Tổng cục Du lịch dưới sự chỉ đạo của Bộ sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Triển khai kế hoạch xúc tiến trên cơ sở sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ từ quỹ hỗ trợ xúc tiến Thương mại; Áp dụng các giải pháp riêng đối với một số thị trường cụ thể như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các nước ASEAN, châu Âu; Tăng cường liên kết đa ngành và các địa phương nhằm phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ. (Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp trong hoạt động); Phối hợp với Hiệp hội và nâng cao vai trò Hiệp hội trong việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp, các địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng biện pháp mùa giảm giá dịch vụ để thu hút khách; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển sản phẩm và xúc tiến điểm đến. Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa nhằm ngăn chặn đà giảm sút và thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm.
A.T