Thể dục là một trong những môn thể thao cơ bản trong hệ thống các môn thể thao Olympic, là môn có độ khó về kỹ thuật. Vào những năm 80 do điều kiện đất nước ta còn nghèo, việc đầu tư cho môn thể thao này còn hạn chế. Chính vì thế mà thành tích của môn thể dục tại đấu trường khu vực và thế giới chưa cao. Đến đầu những năm 90, được sự đầu tư và định hướng đúng của lãnh đạo ngành TDTT, môn thể thao này đã có nhiều tiến bộ. Với chủ trương đưa các VĐV đi tập huấn tại Trung Quốc, một cường quốc thể thao, đặc biệt là môn thể dục, Thể dục Việt Nam đã từng bước đi lên và bắt đầu có huy chương trong các cuộc thi đấu của khu vực. Thành công ban đầu ấy là sự cố gắng tìm tòi, học hỏi của các cấp lãnh đạo, những người tâm huyết tới sự phát triển của Thể dục nước nhà. Là một trong số các HLV đầu tiên - những người đặt nền móng phát triển cho môn Thể dục, TS. Nguyễn Kim Lan, Trưởng bộ môn Thể dục Uỷ ban TDTT đã có những đóng góp tích cực trong việc đưa Thể dục Việt Nam hội nhập cùng khu vực.
Là cán bộ trưởng thành từ VĐV môn thể dục, tham gia công tác quản lý từ năm 1994, trực tiếp phụ trách bộ môn thể dục từ năm 1997. Trong quá trình phụ trách bộ môn, với kinh nghiệm và trình độ chuyên môn lâu năm, TS. Nguyễn Kim Lan đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo ngành TDTT trong việc tổ chức thực hiện tốt các tuyến đào tạo VĐV từ Trung Ương tới địa phương, các tuyến đào tạo trẻ môn Thể dục. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Kim Lan còn tham gia tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ huấn luyện cho các HLV, trọng tài, trong số đó có nhiều trọng tài được phong cấp quốc tế. Môn Thể dục là một trong những môn thể thao Olympic thuộc nhiều nhóm môn nhỏ như: Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật, Sport Aerobic... nó đòi hỏi kỹ năng và sự cố gắng rất lớn trong việc tập luyện của các VĐV cũng như sự kiên trì bền bỉ của các HLV trong quá trình nâng cao thành tích. Do vậy việc giành được huy chương tại các giải khu vực là rất khó và sự kỳ vọng một tấm huy chương tại đấu trường thế giới là cả một thách thức, đòi hỏi phải có thời gian dài.
Tuy nhiên, trải qua một quá trình đầu tư, môn Thể dục Việt Nam đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, thành tích của các kỳ SEA Games và các giải vô địch khu vực gần đây đã được nâng lên một bước. Tại SEA Games 22, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể ban huấn luyện và VĐV, TS. Nguyễn Kim Lan đã góp sức chỉ đạo đội tuyển Thể dục đạt tổng số 7 HCV, 4 HCB, 5 HCĐ. Đây là thành tích cao nhất của Thể dục Việt Nam từ trước tới nay tại các kỳ SEA Games. Ngoài công tác chỉ đạo đội tuyển, bản thân TS. Nguyễn Kim Lan còn được giao nhiệm vụ là Trưởng ban tổ chức các môn Thể dục tại SEA Games 22. Với trọng trách to lớn đó, TS. Nguyễn Kim Lan đã phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để chuẩn bị cho SEA Games 23 (năm 2005) tại Philippines, ngoài nhiệm vụ là lãnh đội đội tuyển Thể dục Việt Nam, bản thân TS. Nguyễn Kim Lan còn có nhiệm vụ chỉ đạo ban huấn luyện trong công tác huấn luyện và tuyển chọn những VĐV xuất sắc tham dự SEA Games. Kết quả đội tuyển Thể dục Việt Nam đã đem về tổng số 5 HCV, 8HCB, 9HCĐ, với một số gương mặt tiêu biểu như: Đỗ Ngân Thương, Trương Minh Sang, Nguyễn Minh Tuấn trong đó có một số nội dung rất khó mà Thể dục Việt Nam chưa từng giành được huy chương như HCV toàn năng của Đỗ Thị Ngân Thương, HCV vòng treo của Nguyễn Minh Tuấn, HCV xà lệch của Trương Minh Sang.
Với những kết quả đã đạt được TS. Nguyễn Kim Lan đã được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2003; nhiều năm được Uỷ ban TDTT tặng bằng khen (các năm 1997, 1998, 1999, 2000, 2002, 2003, 2004).
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT TS. Nguyễn Kim Lan cho biết: Năm 2006, Bộ môn đã xây dựng chương trình lịch thi đấu cũng như tập huấn cho các VĐV của các đội tuyển Thể dục ví dụ như: các VĐV Thể dục dụng cụ đã bắt đầu tập huấn từ ngày 1/1/2006 đến 31/12/06 để chuẩn bị cho các giải quốc tế cũng như chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 2007 tại Thái Lan. Trong năm 2006 ngoài các giải thi đấu quốc gia, các VĐV còn tham dự các giải quốc tế như: Giải Vô địch học sinh Châu Á tại Philippines vào tháng 8 và giải Vô địch Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10. Bên cạnh đó Bộ môn cũng dự kiến sẽ cử một số các VĐV tham dự vòng loại Olympic của thế giới. Với chương trình thi đấu dày đặc này, để có được kết quả thi đấu tốt, không chỉ bản thân tôi mà cả các VĐV sẽ phải chăm chỉ làm việc, tập luyện. Tôi rất tâm đắc với câu nói: "Trên con đường thành công không có bước chân của những kẻ lười biếng".
Mặc dù khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng TS. Nguyễn Kim Lan không ngừng phát huy những năng lực bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhân dịp năm mới, xin chúc TS. Nguyễn Kim Lan và đội tuyển Thể dục Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.