Trước mỗi chuyến đi, Giang luôn chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ. Anh cho rằng, điều đó giúp anh cảm thấy thoải mái hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ. Theo kinh nghiệm bản thân, anh khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị những thứ sau:
- Tìm hiểu nơi đến
Tìm hiểu kỹ lưỡng, chi tiết về thông tin địa hình, hành trình chuyến đi, vị trí, độ an toàn và thời tiết. Những thông tin này sẽ giúp bạn có một chuyến đi hoàn hảo hơn. Nếu không phải là dân leo núi chuyên nghiệp, trung bình mỗi người chúng ta có khả năng đi bộ khoảng từ 12 đến 15 km. Do đó, bạn phải tính toán khả năng di chuyển phù hợp với sức lực, tránh bị quá sức.
Trước khi đi, bạn phải thông báo cho người thân hành trình chuyến đi, thời gian đi của bạn để đề phòng bất trắc có thể xảy đến.
- Nên đi theo nhóm đông người
Giữa rừng núi hoang sơ, bạn chỉ là một chấm nhỏ trong bạt ngàn cây rừng. Ngay cả đối với dân chuyên nghiệp thi việc đi theo đoàn là vô cùng cần thiết. Chúng ta sẽ tránh được tình trạng lạc đường, đồng thời những người trong đoàn có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp rủi ro.
- Vật dụng cá nhân
Ngoài những vật dụng cá nhân thiết yếu như quần áo đi rừng, giấy tờ cá nhân, thức ăn nhẹ, nước, theo kinh nghiệm của Giang, bạn còn cần phải mang theo dụng cụ sơ cấp cứu, la bàn, bản đồ. Tất cả những thứ này sẽ rất hữu ích cho bạn trong trường hợp gặp phải sự cố nguy hiểm.
- Cách di chuyển
Nếu phải di chuyển trong vùng cây rậm rạp, Giang cho rằng bạn cần đánh dấu đoạn đường vừa đi qua bằng các dấu hiệu đơn giản, ví dụ sỏi, đá cụi, hoặc những thanh gỗ nhỏ, cành cây. Nếu có chướng ngại vật. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng mất phương hướng, tránh đi lại chỗ vừa đi qua. Ngoài ra, bạn cũng nên thông báo cho người đi sau những vị trí mình đã đánh dấu.
Bên cạnh đó, những thành viên trong đoàn cũng nên di chuyển theo cự ly thích hợp để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, không nên tách ra đi một mình, nhất là khi vượt suối, qua vực, đi trên những đoạn đường hiểm.
Đừng nên tháo ba lô khi bạn dừng lại, hãy coi đó là điểm tựa khi nghỉ ngơi. Khi thấy trời sắp tối, bạn nên đến bản làng gần nhất và xin ngủ lại qua đêm tại nhà dân địa phương, hoặc hạ trại gần nhà dân, nấu ăn nhờ.
Nếu cắm trại trong rừng nên làm khi trời còn sớm, bên cạnh nguồn nước. Khi đốt lửa nên duy trì ngọn lửa suốt đêm để tránh thú dữ. Ngoài ra, rừng là nơi nổi tiếng có nhiều rắn, để tránh bị rắn bò vào lều trại, bạn nên đập dập tỏi hòa với nước rồi rắc đều xung quanh vị trí nghỉ ngơi. Nếu có thể, bạn nên trò chuyện với người bản địa để có được những thông tin cần thiết và hiểu sâu thêm về nơi đang đến.
- Cách xử lý khi gặp sự cố
Rừng là nơi có rất nhiều bẫy thú của người địa phương. Nếu chẳng may vấp phải bẫy thú, bạn cần phải giữ bình tĩnh và gọi người ứng cứu. Đừng cố tìm cách giãy giụa để thoát, bạn sẽ bị mắc kẹt sâu hơn.
Nếu bị côn trùng cắn, bạn nên xé chút giấy thấm nước bọt đậy lên vết thương để cầm máu. Nếu bị rắn cắn, bạn có thể phải nhờ người trong nhóm hỗ trợ, rạch một đường nhỏ ngay vết cắn và hút nọc độc ra, sau đó dùng băng buộc lại thật chặt, xuống núi thật nhanh, tìm trạm y tế gần nhất để được chăm sóc.
Nếu không may bị lạc, bình tĩnh chính là điều quan trọng mà bạn cần phải nhớ để tránh bị mất phương hướng do hoảng sợ. Sau đó bạn nên tìm những đường mòn hay đi theo dòng nước chảy. Ngoài ra, bạn có thể đốt lửa tạo khói, hoặc phát ra âm thanh, tín hiệu để hy vọng sự giúp đỡ.
Tóm lại, theo Giang, điều quan trọng nhất khi gặp sự cố trên đường đi phượt là bạn phải thật sự bình tĩnh, không được bỏ cuộc, điều này sẽ giữ cho đầu óc bạn sáng suốt và tâm trí vững vàng.
- Chuẩn bị sức khỏe
Điều cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, đó là phải có sức khỏe thật tốt, khả năng chịu đựng cao và khả năng thích ứng nhanh với thay đổi môi trường, thời tiết. Trên suốt quãng đường phiêu lưu, bạn sẽ di chuyển chủ yếu bằng cách đi bộ. Do đó, nếu có sở thích đi phượt, việc luyện tập thể thao thường xuyên là điều bắt buộc.
Theo Giang, bạn nên đi bộ, chạy bộ thường xuyên trước thời gian bạn chuẩn bị đi rừng, và tăng dần cường độ tập. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe đáng kể, luyện sự dẻo dai cho đôi chân, tránh hiện tượng đi nhiều bị chuột rút.
Giang chia sẻ: “Khi đăng kí tham gia Ironman, tôi không lo lắm về chuyện chặng chạy bộ của mình dài bao nhiêu, mà lo nhiều hơn về thời tiết. Tôi có thể luyện chạy bộ được, nhờ sức bền có được khi luyện tập thể lực và leo núi thường xuyên. Nhưng thời tiết Đà Nẵng rất nóng, đây từng là điểm yếu của tôi – dễ đuối sức khi thời tiết nóng, oi bức. Nhưng cũng chính vì tính cách khi đã đặt mục tiêu rồi là không bao giờ từ bỏ, tôi đã chiến thắng được điểm yếu này của cơ thể. Tinh thần không lùi bước trước đây giúp tôi chinh phục những đỉnh núi, giờ đây tiếp tục giúp tôi trở thành một Ironman thực sự”.