Tập trung nâng cao thành tích ở sân chơi khu vực hay hướng tới cái đích xa hơn, lớn hơn là giành vị thế tốt hơn ở ASIAD, Olympic? Và, thực lực cho phép chúng ta thực hiện điều đó ở mức độ nào? Đủ sức tham gia “nhiệt tình” tất cả sự kiện hay cần “biết mình, biết người” chọn trọng tâm, trọng điểm?...
Đó là bài toán khó, cần sự thay đổi về cách nghĩ cách làm chứ không thể rập khuôn những mô hình được cho là thành công trong quá khứ. Giai đoạn kể từ năm 1989, khi thể thao Việt Nam hòa nhập trở lại với thể thao thế giới mà điểm khởi đầu là tham dự SEA Games, cho tới năm 2003 khi Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 22 và giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, mô hình phát triển “đi tắt đón đầu” tỏ rõ hiệu quả. Mô hình đó không chỉ mang lại vị thế hàng đầu khu vực cho thể thao Việt Nam, mà còn giúp hình thành cơ sở vật chất, lực lượng VĐV, HLV cho nhiều môn thể thao mới, lạ, phù hợp với đấu trường SEA Games; tạo đà phát triển các môn thể thao Olympic quan trọng như điền kinh, bơi, đấu kiếm, thể dục dụng cụ...
Nhưng bối cảnh giờ đã khác. Thể thao Việt Nam đã qua giai đoạn “khao khát” huy chương SEA Games, mục tiêu thiết thực và cũng là đòi hỏi của người yêu thể thao là tập trung nhiều hơn cho ASIAD, Olympic, đồng nghĩa với việc xác định lại định hướng và trọng điểm đầu tư. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác xã hội hóa mới thu được hiệu quả nhất định đối với số ít môn thể thao, việc “liệu cơm gắp mắm” là khó tránh.
Quy hoạch môn, nội dung, VĐV trọng điểm nhóm đầu phụ thuộc vào định hướng phát triển thể thao nói chung. Khi xu hướng “vươn ra biển lớn” là rõ ràng, hợp quy luật, tất yếu phải dồn lực cho những môn thể thao Olympic, cho dù chúng ta khó thu được thành tích cao trong ngắn hạn. Nói một cách khác, giờ là lúc cần kiên định tìm ra “đại lộ” thay vì dồn sức theo “đường nhỏ” để khẳng định “vị thế SEA Games”.
Theo Hanoimoi