Bóng đá và chuyện học!
Bóng đá và chuyện học!
Tác giả: Đào Tiến Vinh/26 Tháng Tư 2016/Categories: Góc nhìn chuyên gia
Những ngày gần đây, dư luận và người hâm mộ bóng đá nước nhà đang rất quan tâm đến chuyến sang Hàn học làm bóng đá chuyên nghiệp cũng như những chuyện gây tranh cãi về việc cổ vũ “bên trọng bên khinh”; phát biểu đá xoáy đồng nghiệp của thầy Công Phượng tại giải bóng đá U21 quốc tế…
Đoàn công tác của VPF trong chuyến học tập kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp tại Hàn Quốc
1. Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa tổ chức đoàn công tác lên đến gần 40 thành viên, bao gồm Chủ tịch, Giám đốc Điều hành các CLB V-League, hạng Nhất Quốc gia và lãnh đạo VPF, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sang Hàn Quốc học tập cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Chuyến đi này gói gọn trong gần 1 tuần (từ 19 đến 25-11) với mục đích là giúp các CLB bóng đá chuyên nghiêp Việt Nam “ngày một hoàn thiện hơn về mô hình hoạt động, khả năng quảng bá hình ảnh, vận động tài trợ; với các nhà quản lý sẽ được học hỏi những kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức, điều hành giải từ một nước có nền bóng đá phát triển như Hàn Quốc”.
Có thể nói đó là nỗ lực rất đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần cầu tiến của VPF. Tuy nhiên, học là một việc nhưng có áp dụng được bao nhiêu vào thực tế của bóng đá Việt Nam hiện nay hay không lại là chuyện khác. Trong thực tế, bóng đá Việt từng có rất nhiều đợt đi học tập kinh nghiệm làm bóng đá của những đối tác có mô hình tiên tiến. Ngay như ở cấp độ trong nước, CLB Becamex Bình Dương đã từng đón tiếp hơn 30 đoàn công tác từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến học tập kinh nghiệm xây dựng bóng đá chuyên nghiệp mang lại thành công của bóng đá đất Thủ. Nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như chưa có địa phương nào xây dựng thành công mô hình mà Bình Dương đã chuyển giao rất tận tình, chu đáo. Đơn giản, các đơn vị ấy nếu không thiếu người tâm huyết, có tầm để “chủ xị” phong trào thì lại không có được cơ chế thông thoáng như Bình Dương; hoặc lãnh đạo các cấp không ủng hộ; doanh nghiệp không mặn mà trong việc tiếp sức…
Ở cấp độ cao hơn, VPF trước đây từng tổ chức đoàn qua Nhật Bản học tập làm bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thật sự, đến giờ cần phải thừa nhận vẫn chưa thể áp dụng vào thực tế của bóng đá Việt là bao. Mong là những chuyến Đông du học làm bóng đá của đoàn không phải là chuyến du lịch Thu Đông đắt tiền!
2. Trận bán kết U21VN - U21HAGL đã kết thúc với chiến thắng và chiếc vé vào chung kết cho U21HAGL, nhưng dư âm của trận đấu này đang gây ồn ào dư luận. Ngoài thái độ cổ vũ thiếu vô tư trong sáng của một bộ phận khán giả - CĐV thì chuyện “đá xéo”, khích bác, thậm chí là xúc phạm lẫn nhau của 2 HLV trưởng là Nguyễn Quốc Tuấn (HAGL) và Phạm Minh Đức (U21VN) khiến dư luận thật bất bình. Cho dù HLV Đức và HLV Tuấn từng có những vấn đề cá nhân khi còn là đồng đội của nhau trong màu áo CLB HAGL vào đầu những năm 2000, thì với tư cách của một người thầy làm công tác đào tạo trẻ, cũng không nên khích bác, phát biểu thiếu tôn trọng về đồng nghiệp như trong cuộc họp báo sau trận đấu. Sau đó, người bị phê phán lại lên mặt báo “tố” lại đồng nghiệp, kéo theo là những làn sóng ủng hộ và chỉ trích lẫn nhau từ các fan của 2 bên.
Trong câu chuyện buồn này của bóng đá Việt, không có HLV nào thắng mà chỉ càng làm đánh mất tư cách và hình ảnh của người thầy trong mắt các cầu thủ trẻ. Với những cầu thủ trẻ, chắc chắn tầm ảnh hưởng từ người thầy là không nhỏ. Và không ít thì nhiều những điểm hay và cả thói xấu của người thầy cũng sẽ được các học trò kế thừa. Chẳng trách sao mà thời gian qua bóng đá Việt mà cụ thể là tại V-League cứ bùng nổ những pha vào bóng mang tính bạo lực theo kiểu triệt hạ, rồi những scandal bên ngoài đường biên của các cầu thủ, HLV. Có lẽ, trước khi đi học những điều cao xa thì VPF và VFF cùng lãnh đạo các CLB nên cho các thành viên BHL, các cầu thủ học lại những ứng xử đúng chuẩn mực văn hóa!
Theo thethaovietnam.vn
Số lượt xem (601)/Bình luận (0)
Tags: