Từ phòng nhảy đến sân quần, từ một vũ công nhí đến nhà vô địch Grand Slam, câu chuyện về sự nghiệp của Jelena Ostapenko, nhà tân vô địch Roland Garros, có lẽ xứng đáng là kịch bản để dựng nên một bộ phim kỳ thú.
Cô gái trẻ người Latvia đã đến Roland Garros mà gần như không được ai biết tới, nhưng sau khi kết thúc giải, cô lại khiến tất cả phải nhắc đến mình như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Cú lội ngược dòng 4-6, 6-4, 6-3 trước Simona Halep là vĩ thanh của câu chuyện ấy.
Một tinh thần không biết sợ
Hơn một tiếng sau khi Jelena Ostapenko vô địch Roland Garros, một phóng viên đã hỏi cô về tham vọng trong tương lai. Ôm chiếc cúp bạc và mỉm cười, cô quả quyết: "Dĩ nhiên, tôi muốn giành tất cả Grand Slam. Đó là mục tiêu của tôi".
Đó là sự tự tin hiếm thấy ở một tay vợt mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 cách đó 2 ngày, và thật ra, mới giành danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng đó chính là điều tạo nên sự thú vị ở Ostapenko: Một tinh thần không biết sợ trước bất cứ khó khăn nào. Với việc Wimbledon chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là khai mạc, sự nổi lên của Ostapenko khiến giải đấu này đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với dự kiến.
Còn quá sớm để tuyên bố Ostapenko sẽ là tay vợt lớn kế tiếp, bởi lịch sử từng chứng kiến rất nhiều tay vợt có biệt danh "one-hit wonders", hay những tài năng trẻ được kỳ vọng là ngôi sao lớn nhưng rồi dần dần lụi tàn. Tuy nhiên, với lối chơi đậm chất tấn công, rất giàu thể lực, tinh thần không biết sợ, và khiến khán giả trầm trồ những tiếng "ô", "a", Ostapenko xứng đáng là một tay vợt đáng xem trong thời gian tới.
"Vào một ngày đẹp trời, và tôi đánh ăn điểm tốt, thì tôi nghĩ chuyện gì cũng có thể xảy ra", Ostapenko tự tin khẳng định, sau khi giành 54 điểm winner, so với... 8 của Simona Halep. Đó cũng là trận đấu, cô mắc đến 54 lỗi đánh hỏng (unforced error) so với chỉ 10 bên phía Halep. Thực tế, Ostapenko không giấu diếm ý đồ lấy công bù thủ trong mọi trận đấu của mình. Ở trận bán kết với Timea Bacsinszky, cô cũng đánh hỏng 45 lần, nhưng ăn điểm 50 lần (so với 19-22 của đối phương). Ở trận thắng Wozniacki ở tứ kết, thậm chí cô còn đánh hỏng đến 50 lần, gấp đôi Wozniacki, nhưng vẫn đi tiếp do vượt trội về thắng điểm (38-6). Có lẽ đó cũng là lý do mà từ vòng 4 trở đi, Ostapenko đã phải chơi tổng cộng 12 set tối đa.
Phía trước là Wimbledon
Ostapenko đến Paris với vị trí thứ 47 WTA, và ra về khi trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử lọt vào Top 20 (hạng 12). Cô cũng là tay vợt không được xếp hạng hạt giống đầu tiên sau... 84 năm vô địch Roland Garros, và cũng là tay vợt nữ đầu tiên sau 48 năm giành danh hiệu đầu tiên là Grand Slam.
Theo baomoi.com