Nét đặc trưng
Bên cạnh những nghi lễ linh thiêng thì các trò chơi, trò diễn dân gian được xem là phần “hồn” của mỗi lễ hội và thu hút được đông đảo người tham gia. Hầu hết các trò chơi đều thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe và mang tính chất nghi lễ, đặc trưng của cư dân mỗi vùng, miền. Điển hình như trò cướp cầu (phổ biến ở Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên…) theo giải thích của các nhà nghiên cứu văn hóa, đây không đơn thuần là một trò chơi, mà sâu xa hơn chính là tín ngưỡng của cư dân lúa nước. Quả cầu được làm bằng gỗ, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn). Ngoài ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, tài trí và vui chơi ngày xuân, nhân dân quan niệm cướp được cầu là cướp được năng lượng mặt trời và vận may về cho dân làng, cho lúa khoai tươi tốt, mùa màng bội thu, dân an vật thịnh... Người nào cướp được cầu năm đó thì có nhiều may mắn nên các trận cầu thường diễn ra sôi nổi, quyết liệt, ai cũng quyết giành lấy vận may. Hay như trò thổi cơm thi tại lễ hội Đình Vồng (Tân Yên) đã thể hiện rõ ước vọng no đủ, tinh thần quý trọng hạt gạo- “hạt ngọc” và trọng nghề nông, trọng người nông dân. Là cách để biểu dương những con người khéo léo, cần cù và có tài gia chánh. Đặc biệt, trò chơi này còn liên quan đến câu chuyện “trai hùng, gái đảm” ở vùng đất Yên Thế xưa “Trai Cầu Vồng Yên Thế/ Gái Nội Duệ Cầu Lim”...
Giải vật dân tộc – tự do toàn tỉnh năm 2014 được tổ chức gắn cùng Lễ hội đình, chùa Hả (Xã Tân Trung, huyện Tân Yên). Ảnh: Hương Quỳnh
Hay như hội đua thuyền làng Tiếu Mai, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), ngoài việc tôn vinh nghề sông nước, hội là dịp để người dân tưởng nhớ cuộc kỳ kháng chiến chống giặc Tống của quân dân nước Đại Việt. Theo truyền thuyết, trong cuộc chiến này dân làng Tiếu Mai với khả năng sông nước điêu luyện, họ đã dùng thuyền vận chuyển quân lính của Lý Thường Kiệt qua sông đánh tan quân Tống vào ngày 17-2 -1077. Đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ nổi tiếng "Nam quốc sơn hà" khẳng định chủ quyền dân tộc Việt Nam. Sau này, dân làng lấy ngày 10-3 (âm lịch)- ngày Giỗ tổ Vua Hùng để mở hội đua thuyền trên sông…
Góp vui cho hội xuân
Có thể nhận thấy những môn thể thao dân tộc được xem là thế mạnh của một số địa phương đã được đưa vào lễ hội như: Vật, võ, kéo co ở Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế; cưỡi ngựa bắn nỏ (Yên Thế)… Cùng đó là các trò chơi dân gian như: Chơi đu tiên ở lễ hội Xương Giang, Vĩnh Ninh (TP Bắc Giang); vật dân tộc ở làng Bừng xã Tân Thanh, làng Lễ Nhượng, xã Xương Lâm (Lạng Giang), Lão Hộ (Yên Dũng); bơi chải xã An Châu (Sơn Động); vật cầu nước làng Vân (Việt Yên)…
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTDDL) cho biết: Hiện nay, có nhiều trò chơi mới được du nhập vào lễ hội, trong đó cả những trò chơi thiếu lành mạnh, do vậy việc phát huy tốt những trò chơi dân gian sẽ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của lễ hội và hạn chế tiêu cực. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã quan tâm phục dựng, duy trì nhiều trò chơi, trò diễn cổ truyền trong lễ hội như: Cưỡi ngựa bắn cung, thi bắn nỏ, phóng ngư, thả điểu tại lễ hội Yên Thế; cướp cầu cạn ở lễ hội làng Bừng, xã Tân Thanh và xã Tiên Lục (Lạng Giang); kéo chữ, thi nấu cỗ ở hội Y Sơn (Hiệp Hòa); vật cầu nước làng Vân (Việt Yên)… Hàng năm, Sở VHTTDL cũng tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh gắn với lễ hội của các địa phương như: Vật dân tộc, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co… thu hút đông đảo VĐV và nhân dân tham gia. Qua đây, sẽ là dịp để phát hiện, lựa chọn những tài năng để bổ sung đội tuyển các môn thể thao của tỉnh. Ngoài ra, Sở VHTTDL cũng quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn đối với các môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, vật dân tộc, võ cổ truyền, đá cầu tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Các VĐV của những môn này đã mang về cho thể thao tỉnh nhà nhiều vinh quang.
Nguyễn Hưởng