Ông Hà Quý Phiến (phải) tích cực tham gia luyện tập thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Hàng chục năm nay, người dân thôn Đông Khê (Song Hồ, Thuận Thành) quen với hình ảnh người thương binh Hà Quý Phiến bị khuyết tật mất một chân vẫn đều đặn hàng chiều xách vợt đến tập luyện cùng câu lạc bộ bóng bàn thôn. Câu lạc bộ có hơn mười thành viên đủ mọi lứa tuổi, trong đó ông Phiến là người cao tuổi nhất và cũng là người khuyết tật duy nhất. Dù chỉ di chuyển bằng một chân phải, tay chống nạng thay cho chân trái nhưng trên bàn bóng ông vẫn tỏ ra nhanh nhẹn, linh hoạt với đủ các kỹ thuật đánh, không hề kém cạnh so với những đối thủ là người lành lặn, bình thường.
Tham gia chiến đấu và bị thương trên chiến trường Tây Nguyên, năm 1972, ông trở về địa phương lăn lộn với đủ nghề mưu sinh, làm kinh tế vun vén cuộc sống gia đình. Khi các con đã ổn định, ông cho phép mình được nghỉ ngơi và tập trung vào luyện tập bóng bàn. Niềm đam mê cùng nghị lực phi thường giúp ông trở thành vận động viên khuyết tật đi thi đấu ở nhiều giải đấu trong nước, quốc tế và đạt hơn 20 tấm huy chương các loại. Giờ đã ở tuổi 73, tạm dừng sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp nhưng ông vẫn có sức khỏe dẻo dai nhờ duy trì tập luyện bóng bàn thường xuyên.
“Noi theo gương Bác Hồ, tâm niệm lời dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi luôn cố gắng hết sức mình trong mọi công việc, đặc biệt là hoạt động thể dục, thể thao vừa mang lại sức khỏe vừa giúp tuổi già sống vui, khỏe, có ích. Giờ ngày nào không được đi tập thì thấy bứt rứt không yên”, ông Phiến tâm sự.
Cũng theo ông Phiến, tập luyện thể thao là cách hữu ích để những người khuyết tật vượt qua mặc cảm khiếm khuyết, hòa nhập với xã hội, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về người khuyết tật. Tuy nhiên, đa số sân chơi, bãi tập hiện nay đều được thiết kế theo tiêu chuẩn dành cho người bình thường nên những người khuyết tật như ông rất khó để thích nghi. Mặt khác các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thích đáng tới thể thao khuyết tật, chưa khích lệ được phong trào trong cộng đồng mặc dù nhu cầu luyện tập thể thao của người khuyết tật rất lớn. Để duy trì niềm đam mê bóng bàn, ông gặp phải không ít khó khăn, phải tự bỏ tiền túi ra mua bàn bóng luyện tập, lặn lội tham gia các giải đấu, tự mình đi khắp nơi vận động, quy tụ những người khuyết tật cùng đam mê, tham gia luyện tập thể thao với khát vọng hòa nhập, trở thành người có ích, được xã hội công nhận…
Theo thống kê từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, toàn tỉnh đang có hơn 4 vạn người khuyết tật nhưng số người tham gia luyện tập thể thao không nhiều, chủ yếu là tự phát do thiếu các sân chơi, cơ sở vật chất đặc thù dành riêng cho người khuyết tật.
Ông Đỗ Quang Quyển, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên có tác động rất tích cực đến đời sống tinh thần, sức khỏe của người khuyết tật. Thời gian qua chúng ta mới chỉ tập trung chăm lo đời sống vật chất, hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm cho họ mà chưa thực sự quan tâm đến việc luyện tập thể thao. Nếu được quan tâm đầu tư những sân chơi, trang thiết bị, bãi tập đúng tiêu chuẩn, thể thao sẽ mở ra nhiều cơ hội hữu ích giúp người khuyết tật giao lưu, học hỏi, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng…”.
Luyện tập thể dục thể thao không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người khuyết tật mà còn tuyển chọn được nhiều vận động viên tham gia thi đấu và giành thành tích cao tại giải thể thao khuyết tật, vì thế bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ theo quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần đề ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao cho người khuyết tật; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập các CLB thể thao người khuyết tật; tổ chức thường xuyên giải đấu thể thao các cấp… tạo điều kiển để người khuyết tật tham luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và hòa nhập tích cực với cộng đồng.