1. Triết lý võ học và bản lĩnh “độc cô cầu bại”

“Tôi thi đấu bằng niềm đam mê để thay đổi cuộc sống” – Duy Nhất chia sẻ triết lý khi theo đuổi nghiệp võ.
Vốn xuất thân từ một gia đình 4 đời theo nghiệp võ nên Duy Nhất có nền tảng cực kỳ vững chắc.
Bắt đầu từ ông cố là cố võ sư Tấn Hoành (tên thật Nguyễn Trần Tiếp) – người đã sáng lập môn phái Tấn Gia Quyền từng rất nổi tiếng.
Nhất cũng chính là con của cặp đôi võ sĩ vang danh một thời – Nguyễn Trần Diệu và Minh Ánh Ngọc, những người từng giành ngôi vô địch quốc gia trên võ đài tự do.
Từ năm lên 6, cậu bé Duy Nhất đã được cha mẹ truyền dạy những kỹ năng võ thuật đầu tiên. Như được tiếp lửa từ người cha, Duy Nhất ngày càng dấn thân vào nghiệp võ bằng tất cả niềm đam mê.
Năm 14 tuổi, Nhất bắt đầu xuất hiện trên các võ đài và giành nhiều thắng lợi. Nhưng đó là quãng thời gian Nhất chủ yếu thi đấu để thử sức và rèn luyện sức khỏe chứ không hề nghĩ tới việc sẽ trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp.
Năm 2007, Nhất rời quê Lâm Đồng để vào TP.HCM học tại trường Đại học TDTT và đây là bước ngoặt để chàng võ sĩ đến với môn võ mới – Muay Thái.
Một năm sau, nghe tin thành phố tuyển lực lượng VĐV cho đội tuyển Muay, mặc dù chưa làm quen với môn võ này nhưng Nhất vẫn mạnh dạn ứng thí.
Và kết quả, anh là một trong 5 người được tuyển chọn.
Như một “cơ duyên”, Nhất leo từ những nấc thang đầu tiên để gặt hái rất nhiều thành công và danh hiệu, để rồi trở thành “độc cô cầu bại”.
Anh đi theo con đường Muay Thái thay vì võ cổ truyền bởi môn võ này không chỉ được thi đấu trong nước mà có thể vươn ra tầm châu lục hoặc thế giới.
2. Kĩ thuật dùng đòn rờ-ve của Duy Nhất

Bị gãy tay vẫn đánh bại đối thủ để vô địch
Năm 2009, lần đầu tiên Nhất bước lên võ đài Muay sau một năm luyện tập.
Anh gây dấu ấn ở Đại hội Võ thuật châu Á tại Thái Lan khi chỉ chịu thua điểm trước nhà ĐKVĐ của giải ở trận chung kết, giành chiếc HCB đầu tiên trong sự nghiệp.
Ngay sau đó Nhất giành HCV trong giải đấu tiền Đại hội thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á (Asian Indoor Games 2009-AIG3).
Đây là trường hợp độc nhất của làng võ Việt Nam khi võ sĩ đoạt HCV một giải đấu quốc tế mà trước đó chưa hề dự bất kỳ giải đấu cấp quốc gia nào.
Như được tiếp thêm sức mạnh, Nhất chính thức chinh phục AIG 3 bằng tấm HCV nhờ lối đánh tấn công rất mạnh mẽ.
Kể từ đó, Duy Nhất đã trở thành “nỗi ám ảnh” đối với các VĐV Thái Lan cùng thi đấu ở hạng cân 57 kg.
Anh xuất sắc sở hữu bảng thành tích 3 lần vô địch thế giới và 3 đai vô địch giải Muay bán chuyên thế giới cùng HCV giải vô địch Muay châu Á, cùng với rất nhiều danh hiệu vô địch khác.
Trong số những chiến thắng vang dội, đáng nhớ nhất đối với chàng “cao thủ” chính là một trận chung kết hồi cuối năm 2012 với một võ sĩ rất mạnh của Thái Lan, trong khuôn khổ giải Muay hữu nghị Việt – Thái.
Trong lần cố gắng ra đòn “rờ ve” sở trường thì cánh tay của Duy Nhất đã đập vào trán đối thủ và dội ngược trở lại.
Cú đập ngoài ý muốn với lực rất lớn đã khiến cánh tay của Nhất có hậu hiệu bị gãy và rất đau đớn. Tuy nhiên Nhất hiểu rằng tinh thần chiến đấu của một võ sĩ không có chỗ cho sự lùi bước.
Nhất chủ động đánh duy trì đến hết trận bằng cách ép chặt cánh tay đau vào người, sử dụng 2 chân và tay còn lại, vừa đánh vừa di chuyển tránh đòn cho đến khi hết trận.
Kết quả là Nhất bảo vệ thành chiếc đai vô địch bán chuyên nhờ hơn điểm số.
Sau trận đấu đó, Nhất nghỉ để điều trị cánh tay suốt 8 tháng và không thể tham dự bất kỳ một giải đấu nào.
Sau chấn thương nặng này, nhiều người đã hoài nghi cho rằng Duy Nhất rất khó lấy lại phong độ đỉnh cao, thậm chí là lụi tàn.
Nhưng với Nhất, đó lại là động lực để anh trở lại đầy mạnh mẽ và giành nhiều chức vô địch sau đó ở hạng cân 57-60kg.
Theo sanchoi.vn