Con người là một hệ thống, một cỗ máy tiêu thụ năng lượng để hoạt động, cỗ máy này cũng dần bị hao mòn trong quá trình sử dụng. Ăn uống thức ăn sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tu bổ những hao mòn, đảm bảo cho các chức năng cơ thể được hoạt động bình thường. Đối với người cao tuổi, ăn uống và tập luyện TDTT hết sức quan trọng vì qua nhiều năm cỗ máy cũng đã có nhiều thay đổi.
Người cao tuổi hoạt động ít hơn và do đó mà nhu cầu năng lượng của người cao tuổi cũng ít đi so với lúc còn trẻ. Người cao tuổi khối lượng cơ bắp cũng giảm đi 1/3 so với tuổi trẻ. Với một người 70 tuổi, nhu cầu năng lượng giảm đi khoảng 30% so với tuổi trẻ. Vì thế mà người cao tuổi phải ăn ít hơn lúc còn trẻ. Nếu thấy vẫn ăn ngon miệng mà ăn quá thừa sẽ dẫn đến mắc bệnh béo phì. Chính vì thế mà cần phải giảm bớt số lượng. Như chúng ta đã biết, cơm là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của nhân dân ta. Nếu còn trẻ ăn bình thường mỗi bữa 3 bát cơm, khi lao động nặng ăn tới 4, 5 bát thì khi tuổi cao nên rút xuống 2 bát rồi một bát. Cần thường xuyên theo giỏi cân nặng để điều chỉnh mức ăn.
Chất lượng bữa ăn cũng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi, cần phải đảm bảo đủ chất đạm ( chủ yếu là đạm thực vât). Bao gồm: Đậu phụ, sữa đậu nành, sữa chua, tương, các loại đậu và cá. Giảm ăn thịt, nhất là thịt mỡ. Ăn dầu lạc, vừng, giảm ăn mỡ. Hạn chế ăn mặn, giảm ăn đường, không sử dụng đồ uống có ga, bánh kẹo ngọt. Tăng cường ăn nhiều rau đặc biệt là rau xanh. Sử dụng thường xuyên các loại củ như tỏi, gừng, riềng , nghệ.
Cách ăn của người cao tuổi cũng hết sức quan trọng cần phải lưu ý: Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh ở hệ tim mạch, cần chú ý những ngày lễ, tết thường ăn quá mức bình thường và vui quá chén. Trong bữa ăn hàng ngày, làm thức ăn mềm và chú ý tới món canh. Cần lưu ý đến vấn đề răng miệng của cao tuổi và theo giỏi việc uống nước hàng ngày. Trên thực tế có nhiều cụ ăn rồi lại nói chưa ăn, hoặc có ăn nhưng không có cảm giác no nên ăn quá mức. Một số cụ không có cảm giác khát nên cơ thể lại thiếu nước. Cần xây dựng một thực đơn riêng cho người cao tuổi trong mổi bữa ăn gia đình.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý cần tăng cường vận động để chống Oxy hóa cơ thể rất có hiệu quả. Từ xưa Aritstot đã nhận xét: “ Không có gì làm suy yếu và phá hủy cơ thể con người bằng việc không vận động kéo dài”. Vận động chân tay không chỉ cần thiết cho cơ bắp, xương khớp mà còn có tác dụng đến toàn cơ thể. Cơ thể được rèn luyện đều đặn sẽ hoạt động hài hòa, cho ta cảm giác yêu đời hơn.
Cần dành thời gian tập luyện TDTT đều đặn hàng ngày theo một chế độ và phương pháp tự chọn phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của từng người. Phương pháp tập luyện phù hợp nhất của người cao tuổi là đi bộ và tập thở sâu. Yoga dưỡng sinh cũng rất tốt nhưng phải có HLV hướng dẫn.
Tóm lại, để nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống thì người cao tuổi phải có một chế độ dinh dưỡng khoa học cùng với một chế độ tập luyện TDTT thường xuyên. Đây là vấn đề mà toàn xã hội cần phải quan tâm.