Ngay cả khi bạn đã vạch ra mục tiêu cụ thể, thỉnh thoảng cuộc sống cũng nảy sinh nhiều chướng ngại vật trên đường đến phòng gym. Và cho dù lý do đó có là gì đi chăng nữa, việc ngừng tập trong một khoảng thời gian nào đó cũng sẽ đạp đổ một vài cải thiện hình thể mà bạn đang cố gắng đạt hoặc đã đạt được. Và đối với những trường hợp như vậy, cơ thể bạn cũng chịu những ảnh hưởng nhất định.
1. Bạn có một tháng bù đầu với công việc và ngừng thói quen tập 4 lần mỗi tuần
Việc thực hiện kết hợp những bài tập tăng cường sức và hỗ trợ tim mạch là rất cần thiết đối với các quá trình như giảm cân, kiểm soát hình thể, tăng cường cơ bắp và hô hấp. Tuy nhiên, nếu ngừng tập một tháng, bạn sẽ nhận thấy có một vài khối thịt trên người bị lỏng, khi đi mua sắm bạn không thể mang vác nhiều như trước và bạn nhanh chóng hụt hơi khi đi cầu thang bộ. Đối với những người mới tập được 2 tháng, sức mạnh của họ sẽ tăng lên 46%, và khi ngừng tập trong 1 tháng, sức mạnh giảm 23%, phân nửa con số họ đã đạt được. Tuy nhiên, nếu người nào có hình thể càng chuẩn khi mới bắt đầu tập thì khi ngừng tập, quá trình mất hình thể sẽ diễn ra chậm hơn, họ chỉ mất khoảng 5-10% số đo hình thể trong 1-2 tháng.
Nếu bắt đầu tập trở lại, nên tập từ từ. Đối với những bài tăng cường sức, hãy bắt đầu với 75% kháng lực mà bạn từng dùng, và tăng dần khi cơ thể đã sẵn sàng. Bạn sẽ chỉ mất nửa thời gian để đạt đến một mức độ hình thể nào đó so với lúc mới bắt đầu.
2. Bạn từng tập tạ rất sung sức, nhưng trong vài tháng gần đây, bạn chỉ có thể tập được máy tập chạy bộ vài lần mỗi tuần
Trong trường hợp này, khả năng hô hấp của bạn có thể vẫn tốt, nhưng sức mạnh và cơ bắp lại bị giảm đi trông thấy. Nếu ngừng tập tạ, bạn sẽ bị sụt cơ và tăng mỡ, ngay cả khi chỉ số trên cân vẫn đứng yên. Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy thậm chí những vận động viên chạy bền lâu năm vẫn bị sụt cơ với cùng tỷ lệ như của những người khác, trong đó có cả những người lười vận động, tức là khoảng 2kg trong mười ngày.
Chính vì thế nên cần biết rằng các bài tập chạy hay tim mạch không giúp tăng cường hay duy trì khối cơ bắp. Cần tăng cường sức mạnh lại cho cơ thể và trong các bài tập thường ngày để bù đắp lại khối cơ bị thiếu hụt khi ngừng tập bằng cách áp dụng chiến thuật 75% khả năng như trong trường hợp 1.
3. Bạn chuẩn bị tham gia cuộc thi chạy bán marathon nên luyện tập rất vất vả, sau khi thi xong cho phép cơ thể xả hơi vài tuần
Một cuộc nghỉ ngơi như thế này không phải là vấn đề lớn về hô hấp đối với những người có hệ tim mạch tốt. Khả năng cạnh tranh của bạn sẽ bị sụt giảm, nhưng cũng không mất nhiều thời gian để lấy lại. Chỉ có điều tốc độ của bạn sẽ không dễ lấy lại ngay.
Điều cần thiết là phải tập lại một cách chậm rãi tùy thuộc vào nhịp tim và khả năng gắng sức, có thể bắt đầu từ điểm số 7 trên thang điểm 10. Cũng có thể kết hợp tập các bài tăng cường sức và tim mạch nhằm tăng thêm cơ bắp.
4. Bạn đang tập Yoga rất chăm chỉ, nhưng giờ đây bạn đã quên mất cách thực hiện một bài tập tăng cường sức nào đó mà bạn đã ngừng tập từ vài tháng trước
Việc thay đổi từ bài tập này sang bài tập khác không hẳn là điều không tốt, chỉ có điều nếu bạn quay lại bài tập A sau khi thực hiện bài tập B, có thể bạn sẽ không thực hiện được bài A giống như bạn đã từng làm.
Điều cần làm nhất khi tập lại bài tập tăng cường sức sau một thời gian chuyển qua Yoga đó là nên chuẩn bị tinh thần rằng sức mạnh của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể để có những điều chỉnh phù hợp cho bài tập.
5. Bạn bị chấn thương và chưa thể (hoặc chưa muốn) tập lại trong suốt 6 tháng
Trong trường hợp này, chắc chắn bạn sẽ bị sụt cơ và tăng mỡ, đặc biệt là khi mức độ hoạt động hàng ngày của bạn cũng bị ảnh hưởng.
Một khi bắt đầu tập lại, bạn cần thực hiện rất chậm rãi và rất nhẹ nhàng. Trong các bài tập tạ, phân nửa số tạ bạn từng nhấc được có thể cũng là quá nặng, cần hạ mức tạ xuống và tìm một mức tạ mà bạn có thể thực hiện được với tư thế chính xác mà không bị đau và thực hiện 10-15 lần. Nếu cảm thấy quá khó khăn, cần tăng cường lượng chất đạm trong bữa ăn hàng ngày để bù đắp lại phần cơ bị mất trong thời gian nghỉ tập.