Người truyền lửa
Đến với gia đình cô bé Nguyễn Lê Cẩm Hiền tại ngôi nhà số 374 đường Cao Xanh, T.p Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, điều ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi chính là ông nội của bé - ông Nguyễn Khắc Hùng.
Dù đã gần 70 tuổi nhưng giọng nói của ông vẫn đầy hào sảng khi câu chuyện mới chỉ “chớm” tới chữ “Cờ”. Theo lời ông Hùng kể, ông xuất thân là kỹ sư mỏ nhưng lại mang trong mình một niềm đam mê mãnh liệt với Cờ vua. Chính ngọn lửa đam mê đó đã được ông truyền lại cho cậu con trai Nguyễn Anh Dũng khi chỉ mới 5 tuổi. “Ngày ấy, chỉ từ những quân cờ được cắt ra từ giấy mà đã khiến Dũng mê đến quên ăn quên ngủ. Nhiều lần mẹ của Dũng phải cầm roi đi tìm vì Dũng quá mải chơi Cờ với các bạn”, ông Hùng nhớ lại.
Theo ông Hùng, có thể nói bước ngoặt của cậu con trai bắt đầu từ khi Dũng 11 tuổi. Khi đó, ông Hùng xin được cho Dũng vào học lớp tại gia miễn phí của thầy Phạm Đình Tuyển. Không quản ngại xa xôi, đều đặn hàng tuần, trên chiếc xe đạp cũ, ông Hùng lại cùng người con trai lên lớp thầy Tuyển để tầm sư học đạo. Hành trình này chỉ kéo dài 3 năm khi Dũng giành thành tích xuất sắc tại giải trẻ toàn quốc và được đặc cách vào đội tuyển tỉnh. Kể từ đó, kỳ thủ Nguyễn Anh Dũng ngày một trưởng thành với bảng thành tích khá đồ sộ, tiêu biểu có thể kể đến năm tấm HCV giải VĐQG, một tấm HCV SEA Games và là một trong những đại kiện tướng quốc tế của Cờ vua Việt Nam. Ngay khi Dũng trưởng thành, nổi tiếng trong làng cờ thì cũng là lúc ông Hùng lui về phía sau, trở lại với vai trò của một người cha, tạo nên chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Dũng trên con đường sự nghiệp. Và theo chia sẻ từ kỳ thủ Nguyễn Anh Dũng, nếu không có người cha, người thầy đặc biệt này thì anh chắc sẽ không thể có được một sự nghiệp đỉnh cao như vậy.
Duyên kỳ ngộ
Kỳ thủ Nguyễn Anh Dũng là con người trầm tính, kiệm lời, thậm chí là khá nhút nhát. Nhưng cũng chính vì những lý do đó đã khiến kỳ thủ Lê Thị Phương Liên (gốc Cần Thơ) xiêu lòng sau hai năm ăn tập tại đội tuyển Cờ Việt Nam. Năm 2004, anh Dũng chính thức đưa chị Liên trở thành dâu đất mỏ và là thành viên của đội tuyển cờ Quảng Ninh. Sau 3 năm kết hôn, ngày 27/4/2007, cô bé Nguyễn Lê Cẩm Hiền chính thức ra đời.
Theo lời anh Dũng, chị Liên, ngay từ khi sinh bé Hiền, cả hai anh chị đều không muốn và cũng không nghĩ rằng sẽ để bé Hiền theo nghiệp Cờ như bố, mẹ. Tuy nhiên, do anh chị đều bận bịu với công việc huấn luyện, quản lý của mình nên người mà bé Hiền tiếp xúc thường xuyên nhất lại chính là ông nội. Với niềm đam mê và cái máu cờ sẵn có, ông Hùng đã dạy bé Hiền chơi Cờ vua khi bé Hiền chỉ mới hơn 3 tuổi. Có lẽ, Cẩm Hiền đã thừa hưởng đầy đủ gen trội từ cả bố lẫn mẹ nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Cẩm Hiền đã có thể nhớ hết mặt các quân cờ.
Cảm thấy con như một bản sao chính gốc của mình, lúc bé Hiền lên 5 tuổi, anh Dũng đã quyết định cho con gái đi tập Cờ vua tại trường năng khiếu thể thao tỉnh. Và chỉ sau một năm tập luyện ở đây, vì quá xuất sắc Cẩm Hiền đã được chuyển từ trường năng khiếu lên tập Cờ tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Và kể từ năm 6 tuổi cho đến 8 tuổi, Cẩm Hiền đã thực sự trở thành một thần đồng của Cờ vua Việt khi liên tiếp giành rất nhiều huy chương trong nước cũng như quốc tế mà tiêu biểu là tấm HCV gây chấn động làng Cờ thế giới ở lứa tuổi U8 diễn ra tại Hy Lạp vừa qua.
Theo nhận xét của ông Hùng, Cẩm Hiền là cô bé vô cùng thông minh, sáng dạ và tiếp thu cực nhanh nhưng chính bản thân ông Hùng cũng không thể nghĩ rằng, ở lứa tuổi đó mà Hiền lại có thể có cách tư duy cờ rất hay và lạ đến như vậy. Chính vì thế, dù ông đã đánh đến 4-5 nghìn ván cờ trên mạng hàng ngày nhưng việc được cùng cháu luận cờ là điều mà ông tâm đắc nhất.
Có lẽ lúc này, ông Hùng chính là người hạnh phúc nhất khi niềm đam mê của ông được con, cháu nối bước thành công. Và trong thời gian tới, ông Hùng có thể sẽ tiếp tục đóng vai người truyền lửa cho đứa cháu Thanh Thảo (3 tuổi) – con gái thứ 2 của vợ chồng anh Dũng.
Theo thethaovietnam.vn