1. Nhập môn cầu lông và hướng đi cho dân phong trào
Cầu lông hiện nay ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp đến từng thôn xóm và trường học, người người đánh cầu nhà nhà đánh cầu nhưng mục đích chơi của mỗi người là khác nhau. Có những người chơi vu vơ cho biết, có những người chỉ cần ra tí mồ hôi là được, lại có những người đánh cầu để giao lưu, gặp mặt là chính; ngoài các nhóm trên thì còn có nhóm rất yêu thích và đam mê cầu lông, muốn chơi tốt và am hiểu về môn này, thì với các nội dung sau mình hy vọng sẽ góp chút kiến thức cho anh em đam mê.
Đầu tiên, khi đã đam mê và đến với cầu lông thì anh em cần nhất là:
- 1 cái vợt, tất nhiên rồi, không có vợt thì đánh bằng tay ah :p còn cách chọn vợt cũng như xem vợt thì mình sẽ nói ở phần sau.
- 1 đôi giày tốt để khi luyện tập có thể giảm thiểu các chấn thương về sau.
- 1 tinh thần cố gắng và tập trung vì newbie dù là môn nào cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và dễ nhàm chán.
- 1 khoảng thời gian từ 3-6 tháng tập luyện, tùy năng khiếu và điều kiện của mỗi người.
Đó, đó là những thứ cơ bản cần nhất, còn nhiều thứ khác nhưng những cái đấy thường là ai cũng tự trang bị được cho mình rồi.
Việc tiếp theo là tầm sư học đạo, tại sao phải đi học cầu lông? Câu trả lời vô cùng đơn giản là để chúng ta thực hiện đúng động tác, giảm thiểu chấn thương và đặc biệt học ngay từ đầu thì tiến bộ rất mau, đỡ bị sai sau sửa sẽ rất khó. Tất nhiên không phải ai cũng có nhiều thời gian hoặc mạnh về tài chính để đi học thầy, vậy thì những anh em như vậy vẫn không phải là hết cách. Thời đại công nghệ bùng nổ, internet khắp nơi, anh em có thể dễ dàng tìm các clip dạy kĩ thuật rất chi tiết trên mạng. Tuy nhiên, nếu tập theo bộ nào thì nên theo từ đầu đến cuối, tránh kiểu mỗi thứ ghép vào tí rất dễ loạn. Ở đây mình xin đề xuất 2 bộ video rất nổi tiếng, đó là của Chen Weihua và của Xiao Jie & Zhao Jianhua, đây là 2 bộ video được coi là chuẩn mực và được hang tram nghìn tín đồ cầu lông tập theo.
Với các anh em đi tập thầy thì quá tốt rồi vì có thầy chỉ bảo và phát cầu theo bài tập, còn các anh em tự tập tuy có khó khăn hơn nhưng không gì là không thể. Bản thân mình cũng là người học theo video trước sau mới đi học thầy và rất may mắn là mình áp dụng theo video không tệ nên thầy không phải sửa nhiều/ Khi tập luyện thì anh em cố gắng vượt qua tâm lý chán nản ban đầu vì những ngày đầu chúng ta phải thực hiện 1 động tác hàng chục, trăm lần; mình thấy có nhiều bạn nản bỏ ra đánh séc với nhau bằng các thói quen bản năng và khi vào tập lại rất mất thời gian để sửa lại vì vậy theo mình trong quá trình tập thì không đánh séc, bao giờ kiểm soát được sân đấu tốt thì ta tập chưa muộn.
Đó là về vấn đề tập luyện khởi đầu, mình tin rằng dù bất kỳ ai nếu tập nghiêm túc và nỗ lực trong từ 3-6 tháng, các bạn sẽ thấy mình khác hẳn như kiểu lột xác vậy. Phần lớn những người tập được 6 tháng nghiêm túc mình đều nhận thấy các bạn đã thực hiện rất tốt các kĩ thuật cơ bản và kiểm soát được sân cầu. Sau quá trình này là đến việc luyện tập chiến thuật và bổ sung các bài tập thể chất. Tất nhiên việc yêu cầu quá cao ở dân phong trào đang đi học đi làm là không thể và vì thế mình chỉ đưa ra những cái cơ bản và “đủ” để mọi người chơi tốt.
Khi kĩ thuật đã vững, mọi người có thể tự tập riêng cho mình bằng cách
- Chạy 8 góc ở sân cầu theo bộ pháp chuẩn ( đi học thầy các bạn sẽ được phát cầu theo 8 hướng này), bài tập này giúp nâng thể lực và sự kiểm soát sân cầu.
- Kết hợp với đó là các bạn nên luyện bổ trợ cổ tay bằng vợt tập, bằng chai nước theo các bài tập nhẹ như quay số 8, gập cổ tay nhưng cổ tay rất dễ chấn thương nên các bạn tập phải cẩn thận thấy hơi nhức phải nghỉ… Ngoài ra thì nên:
- ) ) Bài tập kiểu này thì cần có bạn đi cùng cho vui và có động lựcJChạy bền ngày tầm 2km – 3km là ổn với dân phong trào, điểm chú ý là cần sự đều đặn và ổn định nhịp thở chứ cự ly không phải vấn đề quá quyết định. ( Nói thế chứ mình tập chạy 1 mình buồn chán nên cứ đc dăm bữa lại nghỉ
- Nhảy dây tầm 400-500 cái / ngày là chân bạn cũng khơ khớ rồi, nếu khỏe thì 1000
- Gập bụng: cái này thì phải tùy người, mình được khoảng 40 cái 50 cái là chịu :v
- Việc tập tạ theo mình ở mức phong trào thì không quá cần thiết nhưng nếu bạn muốn có thân hình đẹp chắc khỏe thì nên tập gym thêm.
Chạy bền – 1 phương pháp hiệu quả để tăng thể lực và độ dẻo dai
OK, với việc kết hợp tập cầu lông với các bài bổ trợ nhỏ kia đều đặn thì sau 1 năm, nói không ngoa chứ bạn đã có 1 trình độ nhất định ở mức phong trào rồi có thể từ TB đến TB Khá tùy người, mình đã từng chứng kiến 3 4 bạn chỉ sau 1 năm không gặp từ mức đánh qua lại đã thành 1 người khỏe mạnh, đánh đơn nhanh và nhảy đập ầm ầm. :-SS
Song song với các việc tập luyện như ở trên thì món ăn tinh thần không thể thiếu với những người đam mê đó là các trận cầu đỉnh cao. Ngày nay thì không khó khăn để các bạn theo dõi được những Lin Dan, Lee Chong Wei…thi đấu nữa. Cứ lên Youtube vào kênh của bwf là xong, có trực tiếp giải lớn và phát lại.
Thực ra thì sau 6 tháng đầu nếu thực sự chắc kĩ thuật thì bạn có thể xuất sư được rồi và đi tìm CLB để tham gia chinh chiến, nhưng nếu không chắc lắm thì bạn tập 1 năm cũng không sao Việc tìm CLB hiện nay cũng trở nên dễ dàng hơn với internet và điện thoại. Tham gia vào các CLB thì bạn có nhiều cơ hội để thể hiện mình hơn ở các giải đấu, tìm thêm được bạn bè và có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống, đừng quên cảm ơn người thầy đã dạy dỗ bạn
Tham gia vào các CLB thì bạn có nhiều cơ hội để thể hiện mình hơn ở các giải đấu
Bonus mục này, mình sẽ thông tin cho các bạn ở HN các địa điểm dạy cầu lông uy tín và chất lượng, còn các bạn ở xa thì có thể tham khảo của các cao thủ cùng thành phố/ tỉnh.
+ Quận Hoàn Kiếm: lớp của chị Kim Anh – 6 lần vô địch quốc gia, dạy tại sân 48 Bạch Đằng
+ Phía nam thành phố : lớp của anh Trung – cựu VĐV Bộ Công An, tại nhà thể chất ký túc xá Đại Học Xây Dựng, anh dạy gần như cả tuần.
+ Quận Thanh Xuân, Ba Đình: lớp của Trần Đức Phong – cựu VĐV tuyển Hà Nội, tại trường cấp 2 Trung Hòa số 3 ngõ 22 Trung Kính. Và tại Đại Học Công Đoàn thứ 2 4 6 tối. SĐT 0907561991
+ Lớp cầu lông của Đào Mạnh Thắng – cựu số 1 đôi nam Việt Nam: tại Đại Học Công Đoàn
+ Lớp cầu lông của Mạnh Từ Sơn tại đường Lạc Long Quân….
….và còn nhiều địa điểm khác nhưng đó là các nơi mình biết và “kiểm định” chất lượng, học viên những nơi này cũng rất nhiều người đánh hay.
2. Kiến thức cơ bản về dụng cụ cầu lông
2.1: Vợt
Vợt cầu lông trải qua rất nhiều năm đã được cải tiến chất liệu và chất lượng rất nhiều. Một cây vợt cầu lông chuẩn ngày trước là 66.5 cm nhưng ngày nay đa số các hang đều làm vợt chuẩn mới 67.5 cm ( theo luật thì không được dài quá 68 cm). Và vợt cũng chính là thứ được quan tâm cũng như đa dạng nhất trong các sản phẩm cầu lông. Hiện nay ở thị trường Việt Nam mình đếm sơ sơ cũng hơn chục hãng và vì thị trường béo bở và rộng vậy nên bên cạnh các thương hiệu chuẩn làm ăn chân chính thì vợt fake cũng tràn lan như một tất yếu. Mình sẽ nói sơ qua các cách chọn vợt theo thông số nhà sản xuất và 1 vài mẹo phân biệt vợt fake.
Về chọn vợt, có 1 số thông số cơ bản như sau mà các bạn có thể gặp:
- Balance: điểm cân bằng vợt, dung để xác định độ nặng đầu nhẹ đầu của vợt, theo mình đúc rút thì xin chia làm 4 mức:
+ Balance point < 285mm: vợt nhẹ đầu
+ Balance point từ 285-290: vợt cân bằng
+ Balance point từ 290-295: vợt nặng đầu
+ Balance point > 295: vợt rất nặng đầu
- Flex: là độ cứng/ dẻo của thân vợt, cái này được chia ra thành 5 mức nhưng hiện nay mình chỉ thấy có 4 mức chủ yếu:
+ Flexible: Vợt dẻo
+ Medium: Vợt có độ dẻo trung bình
+ Stiff: Vợt cứng
+ Extra Stiff: Vợt rất cứng
- Các chỉ số U, G:
+ U: Là chữ cái thể hiện trọng lượng của vợt, U càng lớn thì vợt càng nhẹ và ở thị trường hiện nay phổ biến nhất là 3U ( 85 – 89.9g) và 4U ( 80-84.9g). Các mức 2U 5U 6U có thể tính tương tự nhưng các mức này ít người dùng vì 2U quá nặng còn 5 6U thì quá nhẹ
+ G: Là kích thước chu vi cán, ở chỉ số này thì không nhất quán vì có hãng sẽ để số càng to thì cán càng bé nhưng các hãng khác đa số ngược lại.
• Với người mới chơi, thì các bạn nên chọn những cây vợt dẻo và nhẹ một chút cho dễ điều khiển. Khi đã đánh tốt thì mới cần chọn vợt khắt khe hơn, bạn nào đánh công tốt có thể dung vợt nặng đầu, lối chơi toàn diện có thể chọn vợt cân bằng và đánh thiên về thủ phản tạt có thể dung vợt nhẹ đầu. Tất nhiên đó chỉ là lý thuyết vì vợt cầu lông là 1 phạm trù gây tranh cãi nhiều vì rất nhiều người có thể sử dụng nhiều loại vợt nhưng vẫn đánh tốt. Đại loại là vợt nào hợp tay bạn thì đó sẽ là cây vợt tốt nhất.
• Một số điểm lưu ý khi đi mua vợt:
- Nếu chưa có nhiều thông tin và kiến thức về vợt các bạn có thể đi cùng 1 người có chuyên môn và đáng tin, tại sao mình nói vậy vì hiện nay có khá nhiều người cậy mình có chuyên môn rồi móc ngoặc với cửa hàng để bán vợt giả cho người chưa biết nhiều về vợt.
- Khi mua nên ra các đại lý lớn và uy tín, theo dõi diễn đàn bạn cũng sẽ biết những người bán uy tín, tránh mua phải những vợt không đảm bảo chất lượng
• Chốt: Với các thông tin trên, bạn hoàn toàn có thể tự tin đi chọn mua vợt và nếu chơi lâu và quen các dòng vợt thì thực sự check không khó khăn như vậy đâu nên các bạn không cần quá lo lắng. Một số hãng vợt tốt mình đề xuất các bạn tham khảo tại Việt Nam đó là Yonex, Victor, Kumpoo…đây là 3 hãng có doanh số bán tốt nhất.
2.2: Giày, quần áo và bao vợt
* Giày:
Trong các vật dụng này thì mình sẽ nói kĩ về giày vì nó là dụng cụ quan trọng. Hiện ở thị trường cũng có rất nhiều loại giày nhưng tất cả dù là hãng nào thì cũng đặt gia công ở Trung Quốc và chỉ có vài nhà máy đủ lớn để làm cho các hãng lớn mà thôi nên chất lượng các giầy mấy trăm nghìn ở các hãng theo mình là không có sự khác biệt quá lớn, chỉ đến các đôi giày cao cấp mới có sự phân hóa chút/ Khi chọn mua giày các bạn nên xem kiểu chân của mình là dày hay mỏng, bè hay thuôn mà chọn cho đúng. Quan trọng nhất là phải đi đúng size để không bị bơi trong giày và không bị kích chân. Nếu có điều kiện thì bạn nên đầu tư hẳn giày đời cao của Yonex, Mizuno, Asics, Victor…bởi những hãng lớn có công nghệ vượt trội, có giảm chấn ở cả mũi chân và gót chân, giúp chúng ta tránh chấn thương. Còn nếu điều kiện hạn hẹp hơn có thể chọn các dòng giày dưới 1 triệu như Kumpoo, Kawasaki, MMOA, Fleet và Flex Pro…tuy không giảm chấn toàn giày nhưng ít nhất nó cũng bảo vệ gót chân chung ta rất tốt. Tuyệt đối không nên dung bata, asia vì đi những đôi này chân chúng ta gần như phải chịu lực phản khi di chuyển rất lớn, có hại cho sức khỏe sau này.
Giày cầu lông
*Quần áo và bao vợt:
Thực sự những vật dụng này hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ cũng như kinh tế từng người. Tuy nhiên mình có lưu ý nhỏ là ở những vùng có nắng nóng các bạn nên chọn bao vợt có lót bạc cách nhiệt để vợt được an toàn. Quần áo nên mặc các loại vải thoáng mát thấm hút mồ hôi tốt, Quần áo fake tuy đẹp nhưng nhiều ni lông và bí, nếu 1 buổi mặc áo fake thì bạn nên mang 4 5 cái vào mùa hè oi bức.
*Trên đây là mình tổng hợp những kinh nghiệm bản thân và thông tin tự thu nhặt được để cung cấp cho anh em khỏi bỡ ngỡ khi bước vào môn cầu lông và cũng giúp anh em tự tin hơn khi đi chọn bảo kiếm. Ắt hẳn sẽ có những thiếu sót và mong anh em bổ sung. Chúc mọi người chơi tốt và tự tin