Trong bóng đá, cổ động viên (CĐV) là một phần không thể thiếu của các đội bóng. Việc có được một Hội CĐV với số lượng thành viên đông đảo và chuyên nghiệp là một "thành tựu" quan trọng của bất kỳ CLB nào. Tuy nhiên, hiện nay, số CLB bóng đá Việt Nam đạt thành tựu đó chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay của một bàn tay.
Có đông CĐV đến sân cổ vũ sẽ làm tăng sự hưng phấn cho các cầu thủ, trận đấu sẽ trở nên náo nhiệt và hấp dẫn hơn. Hình ảnh CLB và giải đấu cũng sẽ được nâng cao hơn. Nhưng xem ra việc tổ chức Hội CĐV không hề đơn giản cho những người quản lý CLB ở Việt Nam. Nhiều Hội CĐV của một số đội bóng như Bình Dương hay Đà Nẵng, Cần Thơ có sự chia rẽ thời gian qua. Các thành viên trong Hội không tìm được tiếng nói chung, sau đó tách ra làm nhiều nhóm khác nhau, ngồi khán đài khác nhau, mang tên gọi khác nhau, làm hình ảnh CĐV của đội bóng trở nên phức tạp, yếu hẳn đi.
Ở các nền bóng đá phát triển, CĐV tham gia Hội vì tình yêu đội bóng, không cần quyền lợi hay yêu cầu gì. Họ tham gia trên tinh thần tự nguyện và tự trang trải mọi chi phí, từ tiền vé vào sân đến dụng cụ cổ vũ. Còn với bóng đá Việt Nam hiện nay, các trận đấu vắng khán giả buộc CLB phải tìm cách vận động, hỗ trợ CĐV đến sân bằng việc miễn vé vào sân hay trang bị dụng cụ cổ vũ... Có lẽ chính từ sự hỗ trợ "quá trớn" của những đội bóng doanh nghiệp cần khán giả, cộng với sự khuyến khích "giải thưởng tiền tỉ" của VPF đã khiến các Hội CĐV bóng đá trở nên "méo mó" như hiện nay. Nói cách khác, Hội CĐV chia rẽ, hình thành nhiều nhóm chỉ là hệ quả của một nền bóng đá còn "xếp hàng" để đi lên chuyên nghiệp.
Việc có được những Hội CĐV chuyên nghiệp ở một giải đấu chuyên nghiệp xem ra vẫn là vấn đề còn phải mất thêm nhiều thời gian.
Theo thethaovietnam.vn