Trong một cuộc đua thuần túy, về lý thuyết, một tay lái luôn cố gắng hết sức để vượt qua mọi địch thủ trước mặt. Dù người đó là các huyền thoại như Ayrton Senna, Michael Schumacher hay một tân binh đi chăng nữa, mục tiêu này luôn là ý tưởng đầu tiên được hình thành trước mỗi cuộc đua. Tuy nhiên, còn có một cuộc chiến khác, nặng về tinh thần với những cân nhắc hay thậm chí là cả day dứt. Không phải ai cũng có thể chiến thắng cuộc đối đầu này theo cách hoàn hảo nhất, bởi đối thủ chính là người điều khiển chiếc xe giống bạn: đồng đội.
Các tay lái có thể trò chuyện vui vẻ trong các buổi họp báo, sau đó trên đường đua họ có thể va chạm với nhau. Không vấn đề gì, bởi đây là chuyện bình thường và khá dễ giải quyết. Nhưng nếu đó là đồng đội, tình huống sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Đơn cử như trường hợp của bộ đôi Williams năm ngoái, khi Pastor Maldonado chèn Valtteri Bottas ra khỏi đường đua tại một khúc cua, và sau đó họ không thể nhìn mặt nhau nữa.
Rắc rối hơn tất cả là khi đội đua sở hữu hai tay lái đều có khả năng đạt những vị trí cao trên bảng xếp hạng. Với đội, mọi quyết định cần phải cẩn trọng hết mức để tránh việc người này cảm thấy bị đối xử thiếu công bằng so với người kia. Còn nội bộ hai tay đua thì còn khó lường hơn, bởi không phải trường hợp nào cũng dung hòa được cả hai yếu tố tình và lý.
Có thể lấy một số ví dụ để phân tích những khía cạnh khác nhau của cách ứng xử và hệ quả của nó.
Red Bull từng rất khó xử khi Mark Webber và Sebastian Vettel nhiều thời điểm cân tài cân sức nhau. Năm ngoái, Vettel phải hứng chịu cơn bão chỉ trích từ người hâm mộ khi anh nhất quyết vượt Webber bằng được để thắng Malaysian GP, bất chấp đội đua không đồng ý. Về cơ bản, đó là một trường hợp tiêu cực. Trái lại, nhà vô địch thế giới năm 1979 Jody Scheckter (Ferrari) đã có một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với đồng đội Gilles Villeneuve. Họ không bao giờ bon chen, cạnh tranh quyết liệt trên đường đua, mà luôn nhường nhịn lẫn nhau. Chỉ cần khoảng cách đủ lớn, xe nào chạy trước cứ thế về đích, chẳng quan trọng đó là Scheckter hay Villeneuve. Ở Ferrari vì vậy không xảy ra bất cứ sự cố nào, dù năm ấy Scheckter lên ngôi chỉ với bốn điểm nhiều hơn Villeneuve. Dường như, đó là sự tích cực.
Trên thực tế, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Số đông không ủng hộ cách xử lý tình huống của Vettel, và cho rằng chiến thắng ấy là quá xấu xí khi anh gần như đã đánh cắp trong tay Webber. Phần còn lại cho rằng Vettel đã rất dũng cảm khi bộc lộ trực tiếp cá tính của mình, đó mới chính là cá tính của một nhà vô địch thực thụ. Một khi đã gọi là đua, không bao giờ tồn tại khái niệm nhường nhịn, miễn là đúng luật, không dùng tiểu xảo chơi xấu đồng đội trên đường đua. Hậu quả là Red Bull chỉ có một sợi dây liên kết rất lỏng lẻo về mặt tình cảm giữa hai tay lái, dù họ sát cánh cùng nhau những năm mùa đua.
Ở ví dụ còn lại, có lẽ không nhiều người có ấn tượng sâu sắc với một tay đua lên vô địch nhưng lại sẵn sàng bỏ qua mọi thách thức đến từ đồng đội của mình, chỉ cần khoảng cách ở mức "đủ lớn" là sẵn sàng bỏ cuộc, dâng tặng chiến thắng luôn cho anh ta. Đổi lại chỉ là một mối quan hệ tốt đẹp, nhân tố chẳng góp phần nào vào việc đánh giá năng lực của một tay lái.
Điều mà Ferrari sở hữu năm 1979 ngày nay vô cùng khó lặp lại. Bởi những tay lái giỏi thường có cá tính rất mạnh mẽ, họ có thể là bạn bè nhưng khó có chuyện nhường nhịn nhau nếu cùng đua cho một đội, trong trường hợp hai người cân tài cân sức. Rắc rối của Hamilton và Rosberg mới đây là ví dụ tiếp theo trong câu chuyện dài không có kết thúc của vấn đề này.