Khó khăn tài chính, khán giả sút giảm chóng mặt dẫn bế tắc trong khâu tổ chức một chặng đua đang khiến môn thể thao tốc độ nhất hành tinh gặp khó khăn ở Đức.
Đức là quê hương của huyền thoại Michael Schumacher, là quốc gia sản sinh ra một tay đua giành bốn chức vô địch thế giới trong năm năm gần đây nhất (Vettel) và có đội đua Mercedes đang thống trị làng F1. Việc họ khủng hoảng trong khâu tổ chức một chặng đua F1 bị xem là điều khó hiểu. Nhưng trên lịch thi đấu chính thức của mùa giải F1 2015, các nhà quản lý vẫn phải để trống trên đường đua đăng cai Grand Prix Đức. Điều gì đã dẫn đến cuộc khủng hoảng F1 tại Đức?
Kể từ huyền thoại Michael Schumacher từ giã làng F1 cuối năm 2012, khán giả mua vé xem GP Đức cùng số người xem trực tiếp qua truyền hình sụt giảm một cách đáng báo động. Số khán giả xem chặng đua tại Hockenheim 2014 qua TV giảm tới 42% so với GP Đức ở mùa trước đó.
Khán giả quay lưng với F1 khiến Đức gặp khó khăn trong khâu tổ chức,
vì nguồn thu sụt giảm. Ảnh: GGP.
Hệ lụy của việc người Đức mất dần đam mê với môn thể thao F1 khiến hai đường đua thường xuyên tổ chức các chặng F1 tại Đức tiếp tục phải duy trì việc luân phiên đăng cai Grand Prix Đức để san sẻ gánh nặng tài chính nhằm duy trì chặng đua. Theo đó, Hockenheim sẽ tổ chức các chặng đua năm 2016 và 2018, còn Nurburgring sẽ được ưu tiên giành quyền đăng cai Grand Prix Đức 2015.
Tuy nhiên, việc Nurburgring đổi chủ sở hữu vào cuối 2014 khiến việc ký kết hợp đồng chính thức để đăng cai Grand Prix Đức 2015 bị đình trệ khi ông chủ mới của đường đua này, do khó khăn về tài chính, không mặn mà với việc đăng cai GP Đức. Đơn vị nắm bản quyền thương mại môn F1 (FOM) có một cuộc gặp gỡ với ông chủ đường đua Nurburgring hôm 21/1 vừa qua để bàn về khả năng tổ chức cuộc đua tại Đức.
Ông trùm Bernie Ecclestone hồi đầu tháng 1 tuyên bố Hockenheim sẽ là đường đua đăng cai GP Đức 2015, nhưng người đứng đầu đường đua này cho biết họ vẫn chưa ký hợp đồng tổ chức với FOM trong khi trên lịch thi đấu vẫn đang để trống tên đường đua sẽ tổ chức GP Đức, chặng đua duy nhất vẫn đang trong quá trình đàm phán do gặp khó khăn về tài chính.
Ông trùm Ecclestone có thể bỏ rơi GP Đức nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu.
Ảnh: Reuters.
Năm 2014, GP Đức được tổ chức tại Hockenheim, nhưng chỉ có khoảng 52.000 khán giả tới đường đua cổ vũ các tay đua. Người Đức đã dần đánh mất tình yêu với F1. Bên cạnh việc các sự kiện thể thao tại Đức trong năm 2014 bị ảnh hưởng bởi màn trình diễn thành công của đội tuyển bóng đá Đức tại World Cup, không thể phủ nhận việc bị khán giả bỏ rơi là xu thế chung tại GP Đức trong nhiều năm qua, bất chấp đất nước này có rất nhiều tay đua xuất sắc thi đấu F1.
Giá vé cao do các nhà tổ chức phải trả khoản phí lớn để giữ tên GP Đức trên lịch thi đấu là một khó khăn khác với các khán giả yêu F1 tại Đức. Tại cuộc họp vào ngày 21/1, Ecclestone đã cảnh báo nếu không sớm nhượng bộ thì nhiều khả năng GP Đức sẽ không được tổ chức trong năm nay. Đây chỉ là một lời cảnh báo xa nhưng nhiều chặng đua F1 từng bị bỏ rơi do không hoàn thành sớm hợp đồng với FOM. Năm 2006, đường đua danh tiếng Spa-Francorchamps (Bỉ) đã không được tổ chức chặng F1 khi bị Ecclestone bỏ rơi vì không đáp ứng đủ các yêu cầu.
Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp hôm 21/1, Ecclestone cho biết: "Chưa chắc GP Đức sẽ diễn ra. Có lẽ người Đức đã quen ủng hộ và cổ vũ Schumi, khi anh ấy giải nghệ họ không còn mặn mà với F1".
Vấn đề khó khăn cần tháo gỡ hiện nay là Hockenheim muốn FOM giảm đòi hỏi chi phí mà đường đua phải trả để tổ chức, do gặp khó khăn về số lượng khán giả mua vé xem trực tiếp - nguồn thu gần như là duy nhất của đường đua đăng cai.
Trong khi đó, Nurburgring thuộc về chủ sở hữu, nhưng năng lực tài chính của họ vẫn chưa được chứng minh. Ecclestone đánh giá: "Năm ngoái, tôi muốn mua lại Nurburgring, ông chủ đường đua này đã đồng ý. Nhưng bỗng có một tay nào đó trả nhiều hơn và mua được Nurburgring, rồi bán lại cho một nhân vật khác, người này lại gặp khó khăn về tài chính, nên đường đua lại về tay một người khác. Hôm nay, như các bạn thấy, tôi đã được biết họ là ai". Nhiều tin đồn cho rằng Nurburgring được bán cho một công ty mang tên Capricorn với giá hơn 112 triệu đôla.
Nếu GP Đức không còn có mặt trên lịch thi đấu F1, vị thế trung tâm của châu Âu trong môn thể thao F1 sẽ càng bị xói mòn sau sự thiếu vắng của các chặng đua truyền thống như GP San Marino (đường đua Imola) từ năm 2007 và GP Pháp (đường đua Magny Cours) kể từ năm 2009.
Theo vnexpress.net