Sau khi chặng đua Monaco GP kết thúc, mọi sự tập trung ngay lập tức chuyển sang nước Mỹ, cụ thể hơn là trường đua Indianapolis, nơi mà sẽ diễn ra cuộc đua Indianapolis 500 lần thứ 101 trong lịch sử.
Đặc biệt năm nay Indianapolis càng nhận được nhiều sự chú ý hơn khi có sự xuất hiện của Fernando Alonso. Dù không thể thực hiện được ước mơ chiến thắng chung cuộc nhưng tay đua từng 2 lần vô địch F1 thế giới đã có những trải nghiệm thú vị trong suốt 3 tuần vừa qua.
Đua xe: Siêu sao F1 và trái đắng ngày "đổi gió" - 1
Pitstop tại giải IndyCar
Cuộc đua phân hạng của chặng đua này diễn ra 1 tuần trước đó và Alonso đã thực hiện xuất sắc để có được vị trí xuất phát thứ 5, nhưng nó chỉ khiến con đường chiến thắng của anh bớt trở ngại hơn chứ anh vẫn cần nỗ lực rất nhiều để chạm tới vị trí số 1.
Sự khó khăn đã tới ngay từ khi bắt đầu cuộc đua khi chiếc xe màu cam của anh nhanh chóng tụt xuống vị trí thứ 11. Nhưng sau đó, anh mới từ từ vươn lên và nhảy lên từng bậc một khá chậm chãi, mà vẫn đảm bảo sự chắc chắn của mình.
Mỗi bộ lốp trong cuộc đua này có thể chạy được trong khoảng 29 đến 33 vòng, như vậy để hoàn thành hết 200 vòng cuộc đua này thì mỗi chiếc xe sẽ cần phải vào pit khoảng 6 lần. Mỗi lần thay lốp ở đây chậm hơn tại F1 khá nhiều khi trung bình phải mất tới 7-8 giây để hoàn thành, bởi có khá ít người tham gia vào việc này.
Những lần pit của Alonso khá tốt khi không mắc sai lầm lớn nào, vì vậy anh có thể trở lại đường đua mà không bị mất vị trí so với trước khi vào pit.
Với những bài học đã có được sau 3 tuần luyện tập, Alonso khá tự tin khi cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu của giải đấu này và thành quả anh có được chính là việc dẫn đầu ở 27 vòng trên tổng số 200 vòng, và con số này chỉ đứng thứ 2 sau tay đua Max Chilton - một cựu tay đua F1 - thuộc đội đua Chip Ganassi với 50 vòng.
Chặng đua còn chứng kiến tai nạn khủng khiếp giữa hai tay đua Scott Dixon (Chip Ganassi) và Jay Howard (Schmidt Peterson Motorsports). Sau khi Howard cua rộng và lao vào tường chắn bê tông, chiếc xe của anh cứ thế lao về bên trong đường đua, đúng lúc đó Scott Dixon tiến tới từ phía sau và không thể tránh khỏi một vụ va chạm mạnh.
Tác động giữa hai chiếc xe đã khiến Scott Dixon bay lên trời khá cao và rơi xuống đất rất mạnh, đồng thời làm hàng rào chắn bằng sắt bị hư hại nặng. Ngoài ra còn khiến một phóng viên đứng gần đó gặp chấn động và phải đưa vào viện kiểm tra.
Hơn nữa, khi chiếc xe của Scott Dixon bay lên không trung, ngay bên dưới đó là tay đua Helio Castroneves đang chạy qua khiến anh này cũng đã có một phen hú vía, nhưng rất may là không còn chuyện gì đáng tiếc nữa xảy ra. Và nhờ vào những quy chuẩn an toàn khắt khe với những chiếc xe đua có buồng lái mở (giống như F1), Scott Dixon đã có thể thoát ra khỏi xe mà không gặp chấn thương nào.
Cuộc đua sau đó đã phải tạm dừng tới 30 phút để các nhân viên đường đua có thể dọn dẹp và sửa chữa lại hàng rào chắn đã bị hư hại. Bên cạnh vụ tai nạn trên, còn có thêm một vụ va chạm giữa bốn chiếc xe ở cuối cuộc đua, cũng như nhiều lần xuất hiện cảnh báo cờ vàng do trên đường đua có mảnh vỡ gây nguy hiểm cho các tay đua.
Và khi cuộc đua chỉ còn 20 vòng nữa là kết thúc, điều đáng tiếc nhất đã xảy ra đó là chiếc Honda Andretti của Alonso đã bị hỏng động cơ và phải kết thúc sớm cuộc đua.
Dù vậy anh vẫn nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ từ 300 ngàn khán giả có mặt tại trường đua Indianapolis ngày hôm đó. Người chiến thắng cuối cùng là một cựu tay đua F1 khác, đó là Takuma Sato, người đã đua cho BAR-Honda và Super Aguri trong 7 năm, và anh đem lại chiến thắng cho đội đua Andretti.
Trong buổi họp báo sau chặng đua, Alonso cho rằng anh thất vọng với kết quả này nhưng đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời với anh, là một dịp mới để chứng tỏ và thách thức bản thân mình.
Anh không tự tin rằng có thể đánh bại mọi đối thủ tại IndyCar nên khi dẫn đầu đoàn đua trong 27 vòng, cảm giác thật tuyệt vời khi nhìn thấy số 29 (số xe của anh) trên đỉnh của tháp thể hiện vị trí chiếc xe. Tay đua người Tây Ban Nha cũng không quên cảm ơn ban tổ chức, đội đua vì đã cho anh một trải nghiệm đáng nhớ như vậy.
Theo 24h.com.vn