Cuộc chiến ở Nam Tư nổ ra ngay trước thời điểm khai mạc Euro 1992 đã ngăn đội bóng này tới Thụy Điển dự giải. Chính vì thế, Đan Mạch, vốn xếp thứ hai ở vòng loại sau Nam Tư, đã nhận chiếc vé “vớt” thế chỗ Nam Tư. Không nhiều người tin rằng Đan Mạch sẽ làm nên chuyện bởi thời điểm đó đội bóng này chưa được đánh giá cao và lại thiếu vắng ngôi sao số 1 Michael Laudrup (do bất đồng với HLV Richard Moller Nielsen).
Quả thật, hai trận đầu tiên của Đan Mạch ở giải này đã kết thúc với sự thất vọng. Rơi vào bảng A cùng chủ nhà Thụy Điển, Anh và Pháp, Đan Mạch hiển nhiên bị coi là vật lót đường và họ đã nhanh chóng thể hiện sự lép vế khi chỉ giành nổi 1 điểm sau 2 lượt đầu tiên. Những tưởng Đan Mạch sẽ sớm xách va li về nước nhưng sự sa sút bất ngờ của hai ông lớn Anh và Pháp đã mở ra cơ hội cho “những chú lính chì” chơi trận tử chiến mang tính quyết định với Pháp.
Đan Mạch trở thành hiện tượng của giải
Đan Mạch mở tỷ số trước ở phút 8 nhờ công Henrik Larsen. Đội bóng bị đánh giá là chiếu dưới bỗng chơi đầy quyết tâm ở trận đấu quyết định chiếc vé thứ hai vào bán kết (trước đó, Thụy Điển đã đã hạ Anh 2-1 để giành vé đầu tiên). Ngay cả khi Papin gỡ hòa cho Pháp thì thế trận vẫn không thay đổi, với ưu thế thuộc về Đan Mạch. Bàn ấn định tỷ số mà cầu thủ dự bị Lars Elstrup ghi được chỉ là kết quả tất yếu của một trận đấu mà đội hay hơn đã thắng. Đan Mạch vượt qua vòng bảng một cách ngoạn mục và tiếp tục cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Tại bảng B, với sự vượt trội về sức mạnh, Hà Lan của Dennis Bergkamp và Đức của Stefan Effenberg đã giành hai vị trí đầu tiên. Những cuộc đọ sức ở bán kết trở nên đáng chú ý hơn khi Hà Lan đụng độ “hiện tượng” Đan Mạch và chủ nhà Thụy Điển chạm trán Đức. Hầu hết các nhận định trước giờ bóng lăn đều nghiêng về Hà Lan bởi thầy trò Rinus Michel vừa kết thúc vòng bảng với chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Đức.
Tuy nhiên, bất ngờ nối tiếp bất ngờ khi ngay ở phút thứ 5, Brian Laudrup đã chuyền đẹp để Henrik Larsen mở tỷ số cho Đan Mạch. Đội bóng áo da cam sau đó không thể triển khai lối tân công nhanh biến ảo như thường lệ và mãi tới phút 23, tài năng trẻ Dennis Bergkamp mới gỡ hòa sau đường chuyền của đàn anh Rijkaard. Chỉ sau đó 10 phút, vẫn là Larsen “nổ súng” lần thứ hai đưa đội nhà vượt lên. Số phận của Hà Lan như chỉ mành treo chuông và mãi tới phút 86, từ pha phối hợp của hai ngôi sao Rijkaard và Gullit, họ mới gỡ hòa và đưa trận đấu tới hiệp phụ.
Schmeichel, Brian Laudrup và đồng đội đã có một giải đấu tuyệt vời
Suốt thời gian đá thêm, Hà Lan mải miết tấn công nhưng không sao xuyên thủng mảnh lưới của thủ thành Peter Schmeichel. Đến loạt sút luân lưu, người gác đền mà sau này trở thành một huyền thoại của Manchester United đã tiếp tục tỏa sáng để chặn đứng cú sút của Van Basten. Đáng nói ở chỗ, trong 10 người thực hiện loạt penalty, chỉ mình Basten đá hỏng và Hà Lan chính thức bị loại. Đây cũng là trận cuối người ta thấy bộ ba huyền thoại Rijkaard – Gullit – Van Basten sát cánh bên nhau trong màu áo Hà Lan.
Ở cặp bán kết còn lại, dù nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà nhưng Thụy Điển vẫn chịu thua Đức 2-3 trong một trận đấu mà họ hoàn toàn lép vế. Thắng trận này, “cỗ xe tăng” càng cho thấy vị thế của một ứng cử viên hàng đầu. Cơ hội để Đức lên ngôi càng lớn hơn khi đối thủ của họ ở chung kết chỉ là Đan Mạch chứ không phải ứng viên số 1 Hà Lan. Thế nhưng, khi Đan Mạch đã hưng phấn thì không đội nào cản được họ. Suốt 90 phút của trận chung kết, đội bóng Bắc Âu thể hiện sự hợp lý tuyệt vời trong chiến thuật và với tâm lý thoải mái, họ mở tỷ số ngay phút 19 và “chốt hạ” số phận của người Đức bằng bàn ấn định chiến thắng 2-0 ở phút 78.
Đan Mạch lên ngôi một cách không thể ngoạn mục hơn và khép lại một kỳ Euro bất ngờ nhất trong lịch sử. May mắn đã ở bên thầy trò Richard Moller Nielsen khi được thế chỗ Nam Tư. Nhưng quan trọng là họ đã biết nắm lấy vận mệnh để làm nên một chiến công lịch sử.