Chuyên gia F1 James Allen cho rằng Kimi Raikkonen đủ sức về đích trong top 3, thậm chí về nhất trên đường đua Sochi.
Sau chặng đua thú vị năm ngoái, Grand Prix Nga 2015 tiếp tục cống hiến cho khán giả một cuộc tranh tài đầy hấp dẫn và kịch tính, với sự xuất hiện của xe an toàn đã làm đảo lộn nhiều kết quả. Thậm chí chặng đua sẽ có nhiều bất ngờ hơn nữa nếu Ferrari tận dụng tốt thời cơ xe an toàn xuất hiện. Đội đua Italy lẽ ra đủ sức giúp cả Sebastian Vettel lẫn Kimi Raikkonen về đích trong top ba, thậm chí họ có thể giành được chiến thắng, nếu được thần may mắn ủng hộ.
Diễn biến trước cuộc đua chiều Chủ nhật. Khi đường đua Sochi khai trương vào năm ngoái, Grand Prix Nga đã khiến nhiều đội đua bất ngờ vì bề mặt đường đua nhẵn mịn khiến mức độ tiêu hao lốp là rất thấp. Với chiều dài 5,8 km kết hợp với 11 góc cua ở khoảng tốc độ 110km/h khiến khả năng tiết kiệm nhiên liệu được đặt lên hàng đầu.
So với chặng đua năm 2014 tại Sochi, Pirelli năm nay thực tế hơn và cung cấp lốp siêu mềm và lốp mềm. Dù có rất ít thời gian chạy thử do trời mưa cùng nhiều sự cố bất ngờ xảy ra, các đội đua đều dự đoán được rằng chiến thuật tối ưu tại Grand Prix Nga lần này vẫn là chiến thuật 1 pit.
Ferrari lỡ cơ hội giúp Raikkonen về đích trong top 3. Nhìn bề ngoài, Grand Prix Nga năm nay vẫn là sự thống trị tuyệt đối của hai chiếc W06. Lewis Hamilton dễ dàng về nhất, sau khi đồng đội Nico Rosberg phải bỏ cuộc ngay từ những vòng đầu dù có lợi thế giành pole. Vettel xuất sắc chiếm được vị trí thứ ha còn Sergio Perez (Force India) bất ngờ về đích thứ ba khi tận dụng được pha va chạm đầy tranh cãi giữa hai tay đua người Phần Lan (Raikkonen và đồng hương Valtteri Bottas) ở vòng đua cuối cùng.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ và phân tích từ các dữ liệu có được thì Ferrari đủ sức giúp cả hai tay đua của họ về đích trong top 3. Raikkonen thay vì phải rượt đuổi Bottas trong suốt cuộc đua trước khi phải thử sức một cách liều lĩnh ở đúng vòng cuối cùng, vẫn có thể về đích thứ ba nếu Ferrari nhạy cảm hơn về chiến thuật.
Khi xe an toàn xuất hiện lần hai ở vòng 12, chỉ có bốn xe tranh thủ cơ hội này để về pit, gồm Daniel Ricciardo (Red Bull), Sergio Perez, Carlos Sainz Jnr (Toro Rosso) và Jenson Button (McLaren). Lúc này, Hamilton đang dẫn đầu đoàn đua, phía sau là Bottas. Raikkonen thì đang chạy thứ ba và chậm hơn năm giây, Vettel đứng thứ tư. Vì vậy, chúng ta có thể hỏi tại sao Ferrari lại không áp dụng hai chiến thuật khác biệt cho hai tay đua, cho một trong hai tay đua của họ vào pit ở thời điểm này để gây đột biến.
Raikkonen có lúc chạy trước Vettel, và Ferrari hoàn toàn có thể đạt thành tích tốt hơn, nếu sáng suốt hơn về chiến thuật. Ảnh: Reuters.
Các chỉ đạo viên F1 thường chuẩn bị trước cho mỗi cuộc đua nhiều kịch bản khác nhau. Một vài trong số đó là kiểu kịch bản mà cuộc đua sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của xe an toàn. Ở Sochi, lốp mềm có thể có tuổi thọ tới 40 vòng đua, vì thế khả năng xe an toàn xuất hiện trong thời điểm từ vòng 12-15 là phù hợp để đưa ra quyết định về một chiến thuật tạo đột biến bằng cách đưa tay đua về pit thay lốp.
Nhưng trên thực tế chỉ có bốn tay đua nắm bắt cơ hội này. Ferrari có tới hai chiếc xe trong nhóm đầu, còn Mercedes và Williams mỗi đội chỉ có một xe trong top 5. Điều này lý giải tại sao hai đội đua sử dụng động cơ Mercedes lại không mạo hiểm về pit ở thời điểm này. Tuy nhiên, Ferrari lại không mạo hiểm hy sinh một tay đua, nhất là khi Raikkonen đang chạy trước đồng đội Vettel. Tay đua người Phần Lan không còn hy vọng vô địch thế giới, nên cần được gọi về pit để đồng đội sớm có cơ hội áp sát Bottas.
Nếu thực hiện được điều này, Raikkonen sẽ đứng đầu nhóm các tay đua vào pit tại thời điểm đó sau khi xe an toàn rời đi. Khi thay lốp, tay đua người Phần Lan có thể tạm thời tụt xuống sau Perez, Kvyat, Felipe Nasr và Ricciardo. Nhưng ít giây sau đó, Perez và Ricciardo sẽ vào thay lốp theo, vì thế Raikkonen chỉ tụt lại sau Kvyat và Nasr. Tay đua của Ferrari thừa sức sớm vượt qua cả hai đồng nghiệp này nhờ chiếc SF15-T vượt trội và bộ lốp mới hơn. Sau đó, Raikkonen sẽ leo lên vị trí thứ tư, ngay sau Vettel, đồng đội chưa vào thay lốp.
Sau khi xe an toàn rút đi tại vòng 17, các xe ở nhóm đầu còn chạy thêm chín vòng trước khi về pit thay lốp. Thay lốp xong, Bottas sẽ tụt lại phía sau Raikkonen, vì thế lão tướng người Phần Lan sẽ dễ dàng về đích thứ ba, thay vì phải bám đuổi một cách khá vô vọng và tấn công năm ăn năm thua ở vòng cuối cùng hòng chiếm vị trí thứ ba.
Thậm chí nếu xe an toàn hoặc xe an toàn ảo được triển khai trong thời gian từ vòng 21 đến 25, Raikkonen còn có cơ hội để giành chiến thắng, vì khi đó Hamilton, Bottas và Vettel buộc phải về pit thay lốp để tránh bị đoàn xe phía sau vượt qua. Lúc này, lão tướng người Phần Lan sẽ có lợi thế chạy trước 10 giây do cả Mercedes và Williams đều chỉ còn một xe ở nhóm đầu, không thể sử dụng một chiếc xe còn lại để cản đường anh.
Raikkonen lẽ ra có thể chiến thắng, chứ không chỉ về thứ năm rồi bị phạt trừ 30 giây và xếp thứ tám
chung cuộc tại GP Nga. Ảnh: Reuters.
Tình huống này nghe có vẻ xa vời và thiếu thực tế (không tính đến trường hợp xe an toàn xuất hiện thêm ở giai đoạn nửa cuối cuộc đua). Tuy nhiên, bất ngờ luôn xảy ra trong thể thao và nhất là môn đua xe F1. Đây chỉ là một trong số kịch bản mà các chỉ đạo viên phải chuẩn bị trước cho mỗi chặng đua sắp diễn ra. Mùa giải năm nay, Ferrari tỏ ra rất tiến bộ về mặt chiến thuật. Đội đua Italy đề ra nhiều chiến thuật rất thông minh, và số lượng thực hiện thành công là không ít. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là họ lại bỏ lỡ một cơ hội cực tốt về chiến thuật trong chặng đua vừa qua.
Trên thực tế, việc Vettel vượt qua Bottas ở Grand Prix Nga không phải là nhờ chiến thuật mà do nhiều yếu tố khác nhau. Bộ lốp mà tay đua Phần Lan sử dụng khi xuất phát cũ hơn bộ của Vettel ba vòng đua,vì thế Bottas buộc phải vào pit trước. Khi quay lại đường đua, tay đua của Williams lại rơi xuống nhóm sau và bị cản trở bởi traffic phía sau Perez. Ngoài ra, các thợ máy của đội đua nước Anh cũng thực hiện một lần thay lốp chậm chạp, điều này khiến tình thế của Bottas thêm trầm trọng.
Để khắc phục điều này, Williams đang đầu tư cho mùa giải sắp tới bằng việc sắm bộ dụng cụ thay lốp mới, cùng nhiều công nghệ kèm theo nhằm rút ngắn thời gian thay lốp tới hàng giây so với hiện nay. Dù vậy, để thu hẹp khoảng cách này trong thời gian ngắn không phải là một vấn đề đơn giản.
Perez tận dụng vận may để đem về podium thứ ba trong lịch sử cho Force India. Thay vì Bottas hay Raikkonen, cuối cùng Perez lại là người giành được vị trí thứ ba chung cuộc tại Sochi. Đây là lần thứ năm trong sự nghiệp F1, tay đua người Mexico có mặt trên bục podium. Thành tích lần này vẫn là do màn trình diễn khả năng giữ lốp siêu hạng của anh. Perez thi đấu suốt 40 vòng cuối cùng với bộ lốp mềm mà vẫn duy trì được tốc độ tốt. Điều này vốn đã thành thương hiệu của Perez, từng giúp anh ba lần về đích trong top ba mùa 2012, khi còn ở đội Sauber.
Tay đua người Mexico là người đầu tiên về pit khi xe an toàn xuất hiện. Anh giữ gìn bộ lốp mềm rất hiệu quả từ khi xe an toàn rút đi tại vòng 17 cho tới khi cuộc đua kết thúc tại vòng 53. Perez đã bị cả Bottas và Raikkonen đuổi kịp khi cuộc đua còn ba vòng phía trước. Anh dễ dàng để Raikkonen vượt qua sau khi tụt xuống sau Bottas như yêu cầu của Force India, với ý đồ để tay đua Phần Lan tử chiến với nhau và Perez sẽ thu lợi từ đó thay vì cố sức giữ vị trí một cách mạo hiểm. Cuối cùng diễn biến đã xảy ra đúng như tiên đoán của Force India.
Raikkonen đã thi đấu rất nhiệt tình suốt buổi chiều Chủ nhật, và khi được các chỉ đạo viên yêu cầu tấn công Bottas ở vòng cuối cùng, lão tướng người Phần Lan ngay lập tức có một pha lách trong đầy mạo hiểm khiến người đồng hương của anh phải bỏ cuộc, còn Raikkonen cũng bị hỏng hệ thống treo và chỉ có thể về đích thứ năm trước khi bị phạt và tụt xuống vị trí thứ tám. Perez có lẽ cần phải cảm ơn hành động này của Ferrari, vì đã giúp anh có cơ hội đứng trên bục podium.
Theo vnexpress.net