Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, việc nhanh chóng trở thành một cao nguyên Thể thao và Sức khỏe là một cơ hội lớn, bởi đây chính là xu thế toàn cầu.
Gia Lai – Bắt đầu ngay, đừng bỏ lỡ cơ hội
Theo Quyết định số 1750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,57%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.
Gia Lai quyết tâm trở thành tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu…. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh Gia Lai có nhiều đặc trưng nổi bật, độc đáo có sẵn, cụ thể là vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Môi trường sinh thái tỉnh Gia Lai xanh hơn, bền vững hơn với khả năng phục hồi và thích ứng biến đổi khí hậu. Việc phát triển du lịch xanh cần phải tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên.
Thêm một ưu điểm nữa là tỉnh Gia Lai có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh, dịch vụ vận tải phát triển.
Một trong các đột phá phát triển Gia Lai là đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái: phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu: (i) Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; (ii) Bảo tồn và phục hồi hành lang đa dạng sinh học. (iii) Xây dựng Chuỗi công nghiệp - nông nghiệp. (iv) Hình thành Cụm liên ngành du lịch - thể thao - sức khỏe; (v) Tham gia các cam kết thúc đẩy nền kinh tế các - bon thấp và xanh…
Mục tiêu này sẽ được hoàn thành vào năm 2050, nhưng ngay từ 2024, đã có thể áp dụng mô hình của Indonesia, cụ thể là đảo Bali, để có thể đón đầu làn sóng “du lịch thể thao, du lịch sức khỏe”, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch thể thao, doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe, doanh nghiệp lữ hành, hút các tập đoàn nghỉ dưỡng cao cấp đến với Gia Lai, tận dụng các bài thuốc cổ truyền bản địa để tạo nên sản phẩm “phễu” cho Gia Lai.
Hoa Hồng