Bài viết của chuyên gia F1 James Allen cho thấy tại sao Mercedes không cho Hamilton theo đuổi chiến thuật một pit khi anh nhất chặng GP Áo cuối tuần qua.
"Hãy tạm quên đi mọi kiến thức mà bạn có", đó là lời khuyên của một chỉ đạo viên kỳ cựu vào buổi sáng chủ nhật 3/7 trên đường đua Red Bull Ring (Áo). Thời tiết Chủ nhật tại Spielberg mát hơn nhiều so với hai ngày trước đó cùng việc các đội có rất ít dữ liệu về lốp mềm (loại lốp buộc phải sử dụng) do mất đi thời gian chạy thử trong ngày thứ Sáu vì trời mưa khiến các đội như phải "dò dẫm trong bóng đêm" khi sử dụng lốp mềm trong cuộc đua chiều Chủ nhật.
Trong những tình huống mù mờ diễn ra tại Red Bull Ring, chiến thuật sử dụng lốp sẽ ảnh hưởng cực lớn tới cục diện và kết quả của cuộc đua. Chính chiến thuật của Mercedes đã đẩy mâu thuẫn giữa Lewis Hamilton và Nico Rosberg lên cực điểm. Và hệ quả là pha va chạm nảy lửa giữa hai chiếc W07 ở vòng đua cuối cùng.
Tình hình trước cuộc đua chiều Chủ nhật
Do sử dụng những dữ liệu của ngày thứ Sáu, tất cả các đội đua đều gặp vấn đề với việc sử dụng lốp trong cuộc đua chiều Chủ nhật. Tại Grand Prix Áo năm nay, Pirelli cung cấp ba loại lốp cho thời tiết khô ráo: Cực mềm, Siêu mềm và Mềm. Tất cả các đội đều đã trải nghiệm qua tình huống như nhiệt độ cao, vón cục, phồng rộp và mất tốc độ với những loại lốp này tại Red Bull Ring.
Thời tiết khó lường tại Red Bull Ring khiếc các đội đua bị động trong việc lựa chọn chiến thuật lốp.
Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ngay từ buổi đua thử đầu tiên, các xe đã thu được thành tích tốt hơn tầm hai giây mỗi vòng so với năm ngoái nhờ vào việc năm nay bề mặt đường đua đã được nâng cấp. Tới buổi đua thử thứ hai thì trời đổ mưa tại Red Bull Ring.
Các đội ở nhóm giữa bắt đầu lo sợ khi chứng kiến đội đua chót bảng Manor có thành tích rất tốt khi chạy trên mặt đường khô ráo. Trớ trêu thay, nguyên nhân của việc này là chiếc xe của Manor thiếu lực nén nên không làm lốp xe bị quá nhiệt. Chiếc MRT-05 bất ngờ có triển vọng giành điểm khi Pascal Wehrlein có được vị trí xuất phát thứ 12.
Thành tích chạy thử khả quan của Manor khiến McLaren và Toro Rosso buộc phải tiết kiệm và để dành hai bộ lốp mềm với mỗi xe cho cuộc đua chiều Chủ nhật. Hai đội đua này cho rằng chiến thuật hai pit là khả dĩ nhất cho cuộc đua tại Áo. Theo đó họ sẽ xuất phát với bộ lốp Cực mềm, dùng hai bộ lốp mềm trong phần còn lại của cuộc đua sau khi thay lốp lần đầu. Tuy nhiên, các đội vẫn không dự đoán được nhiệt độ đường đua trong cuộc đua chính thức.
Jenson Button có lợi từ lựa chọn này của McLaren. Cuộc đua chiều Chủ nhật diễn ra với nền nhiệt độ mát mẻ khiến chiếc MP4-31 hoạt động tốt hơn dự tính của đội đua nước Anh. Trước đó, lão tướng Button đã tận dụng cơ hội khi thời tiết biến động tại vòng phân hạng cùng các án phạt ở nhóm đầu để có được vị trí xuất phát thứ 3. Nhờ các lợi thế này, lão tướng người Anh có được một cuộc đua mạnh mẽ và về đích thứ sáu bất chấp chiếc xe của McLaren-Honda còn có nhiều yếu kém.
Trong khi đó, Red Bull là đội đua vất vả nhất với tình trạng lốp sau bị nổi hạt trong các buổi đua thử. Vì thế, việc Max Verstappen chạy suốt 56 vòng đua cuối cùng với bộ lốp mềm làm tất cả rất ngạc nhiên. Tay đua còn lại của Red Bull, Daniel Ricciardo thì lại không giữ lốp đến khi kết thúc cuộc đua như đồng đội, nên buộc phải chuyển sang áp dụng chiến thuật hai pit.
Ngôi sao người Australia vốn là tay đua giữ lốp rất tốt mà vẫn đảm bảo được tốc độ cao cho chiếc xe. Vì thế, chúng tôi cần phân tích nghiêm túc màn trình diễn của Verstappen tại Red Bull Ring và trước nữa là tại Catalunya.
Tại sao Mercedes không cho Hamilton theo đuổi chiến thuật 1 pit?
Pha va chạm thứ hai giữa Hamilton và Rosberg trong năm chặng đua gần đây nhất khiến Mercedes đánh mất sáu điểm trong tổng số 43 điểm nếu cả hai giữ nguyên vị trí nhất-nhì cho tới khi kết thúc cuộc đua, trước đó là pha va chạm khiến đội đua nước Đức mất trắng 43 điểm tại Catalunya hồi đầu tháng Năm. Việc hai tay đua Mercedes tái diễn tình trạng trên khiến đội đua nước Đức phải suy nghĩ nghiêm túc về khả năng từ bỏ quy định cho phép tự do cạnh tranh.
Nếu phân tích kỹ lưỡng về mặt chiến thuật tại Áo, Mercedes không có cách nào để tách Hamilton - Rosberg ra khỏi nhau trong toàn bộ cuộc đua, dù một tay đua xuất phát đầu còn người kia chỉ xuất phát thứ sáu. Nếu cố gắng để tránh cho Hamilton vượt qua Rosberg ở vòng cuối, thì lại sẽ xảy ra tình trạng Rosberg áp sát người đồng đội ở giai đoạn cuối, khi tay đua người Anh áp dụng chiến thuật một pit. Dù áp dụng chiến thuật nào đi chăng nữa, khả năng hai chiếc W07 lao vào nhau vẫn là rất cao.
Trong trường hợp này, nếu các chỉ đạo viên của Mercedes có áp dụng chiến thuật một hay hai pit thì đều bị nguyền rủa là không tạo ra một cuộc chơi công bằng. Tuy nhiên, có lẽ đội đua nước Đức không nghĩ rằng hai chiếc W07 lại va chạm sớm như vậy, sau sự cố tại Catalunya mới cách đây hai tháng.
Rosberg xuất phát cuộc đua từ vị trí thứ sáu do phải thay hộp số sau tai nạn làm hỏng hệ thống treo ở buổi đua thử cuối cùng. Tay đua người Đức đã chủ định áp dụng chiến thuật hai pit ngay từ đầu khi thay lốp khá sớm, ngay từ vòng 10. Chiếc W07 của Rosberg vốn nhanh hơn xe của Hamilton trong các buổi đua thử. Việc bị tai nạn trong buổi đua thử cuối khiến anh gặp khó và phải tìm cách lội ngược dòng.
Trong khi đó, Hamilton thảnh thơi ở ngôi đầu sau khi giành pole nên có nhiều sự lựa chọn về chiến thuật hơn. Tay đua người Anh cũng sớm quyết định theo đuổi chiến thuật một pit khi anh chạy được tới 20 vòng đầu tiên với bộ lốp Cực mềm. Pirelli tính toán rằng với thời tiết mát mẻ trong ngày Chủ nhật tại Red Bull Ring thì bộ lốp Mềm có thể hoạt động tốt tới 46 hoặc thậm chí là 50 vòng. Vì thế Hamilton tin tưởng vào chiến thuật 1 pit. Anh đã vượt qua phần khó khăn nhất khi hoàn thành 20 vòng đầu tiên với bộ lốp Cực mềm.
Raikkonen xuất phát với bộ lốp Siêu mềm và về pit lần đầu sau Hamilton một vòng. Trong khi đó, Verstappen thay lốp từ vòng 15. Vì thế, thần đồng người Hà Lan là tay đua sẽ gặp khó nhất trong số ba tay đua lúc đầu chủ định theo đuổi chiến thuật một pit. Verstappen phải duy trì bộ lốp Mềm từ vòng 15 cho tới tận vòng 71.
Tuy nhiên có vài biến cố đã xảy ra trong cuộc đua. Lần vào pit của Hamilton chậm hơn bình thường tới hai giây, vì thế khi thay lốp xong, tay đua người Anh bị tụt xuống phía sau đồng đội Rosberg. Điều này không nằm trong dự tính của Mercedes. Hamilton có lợi thế khi bộ lốp mới hơn người đồng đội 11 vòng, nhưng anh đã bị Rosberg tạo khoảng cách năm giây.
Sau đó, xe an toàn bỗng nhiên được triển khai khi chiếc SF16-H của Vettel bất ngờ nổ lốp. Hamilton có cơ hội rút ngắn khoảng cách với người đồng đội. Sau chặng đua, tay đua người Anh cho rằng anh gặp bất lợi khi xe an toàn xuất hiện nhưng đúng ra Hamilton đã hưởng lợi do xe của Vettel nổ lốp, vì khoảng cách năm giây giữa hai chiếc W07 đã không còn.
Lúc đấy, Mercedes bắt đầu sáng tỏ nhiều vấn đề. Thứ nhất, đội đua nước Đức nhận thấy được rằng Hamilton khó mà duy trì bộ lốp Mềm cho tới tận vòng 71. Trước đó, rõ ràng là họ đã thiếu nhiều dữ liệu để làm cơ sở xây dựng chiến thuật cho tay đua người Anh. Mercedes cũng tính toán rằng nếu Rosberg vẫn theo đuổi chiến thuật hai pit còn Hamilton sử dụng chiến thuật một pit thì tay đua người Đức sẽ thay lốp lần hai và thiệt 19 giây so với người đồng đội, nhưng lại có lợi thế nhanh hơn Hamilton trên một giây mỗi vòng đua do có bộ lốp mới hơn. Sau đó, Rosberg sẽ dần đuổi kịp và dễ dàng vượt qua đồng đội ở giai đoạn cuối.
Để đảm bảo công bằng cho hai tay đua, Mercedes gọi Hamilton về thay lốp lần hai, và cho anh cơ hội nhảy cóc qua người đồng đội. Mặc dù vậy, cơ hội nhảy cóc sẽ khá khó khăn vì anh sẽ dùng bộ lốp Mềm, vốn làm nóng lâu hơn tại vòng Out-lap so với bộ lốp Siêu mềm mà Rosberg buộc phải sử dụng sau khi thay lốp lần hai (do không còn lốp Mềm dự trữ).
Tới vòng 54, Hamilton là tay đua vào pit lần hai trước. Tuy nhiên, sau đó tay đua người Anh mắc một sai lầm nhỏ tại Turn 2 khi đang chạy vòng Out-lap. Cộng thêm việc thiệt hại do lốp Mềm làm nóng lâu hơn nên khi so sánh thành tích vòng Out-lap thì Hamilton bị chậm hơn Rosberg 1,4 giây. Vì thế khi cả hai thay lốp xong thì Rosberg vẫn giữ được ngôi đầu. Hamilton, có lẽ, đã về pit muộn một vòng so với thời điểm tối ưu.
Sau khi thay lốp xong, Hamilton đã chất vấn các chỉ đạo viên Mercedes rằng vì sao mà Rosberg được sử dụng bộ lốp “nhanh hơn”. Đội đua nước Đức trả lời rằng lốp Mềm sẽ là loại lốp tốt hơn trong 17 vòng đua còn lại. Thực tế đã chứng minh lập luận của Mercedes khi bộ lốp Siêu mềm của Rosberg đã hoạt động rất tệ ở những vòng cuối cùng.
Cùng với vấn đề trên hệ thống phanh của chiếc W07, Rosberg nhanh chóng bị Hamilton đuổi kịp và vượt qua ở vòng cuối. Cuối cùng cả hai chiếc xe đã va chạm, nhưng Hamilton vẫn chiếm được ngôi đầu trong khi Rosberg bị hỏng xe rồi tụt xuống thứ tư và nhận án phạt cộng 10 giây vào thành tích chung cuộc.
Liệu Mercedes có thể làm khác đi? Nếu sau đó để cả hai chiếc W07 áp dụng chiến thuật một pit thì rất nguy hiểm cho Rosberg khi anh phải thi đấu suốt 60 vòng với bộ lốp Mềm. Khi đó, Hamilton có thể vượt qua đồng đội ở cuối cuộc đua khi cả hai xe đều đã chạm tới giới hạn về lốp. Giả thuyết này có vẻ rất hoang đường.
Về tổng thể thì cũng có khả năng Hamilton hoàn thành chiến thuật một pit nếu nhìn sang trường hợp của Raikkonen, thay lốp lần duy nhất sau tay đua người Anh đúng một vòng (vòng 21) nhưng vẫn có thể dễ dàng về đích an toàn ở vị trí thứ ba. Trên thực tế, bộ lốp Mềm có độ hao mòn khá thấp tại Red Bull Ring chiều 3/7.
Tuy nhiên, chiến thuật một pit vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Mercedes không có nhiều dữ liệu về lốp Mềm, và tình hình có thể sẽ xấu đi nhanh chóng khi hai chiếc xe cùng áp dụng chiến thuật mạo hiểm, đẩy chiếc xe tới giới hạn. Đội đua nước Đức chắc chắn không dám chủ quan để mất đi toàn bộ số điểm đáng ra họ có được tại Grand Prix Áo nếu xảy ra bất trắc.
Đáng lẽ, Hamilton và Rosberg nên có một trận chiến sòng phẳng và hòa hảo ở vòng cuối, nhưng cuối cùng cả hai đã lao vào nhau khiến Mercedes thiệt hại. Kết cục này đã xóa đi bầu không khí hữu nghị mong manh mới được xây dựng trong nội bộ đội đua nước Đức. Nên nhớ, khi chiếc W07 của Rosberg bị hỏng do tai nạn tại buổi đua thử cuối cùng, nhóm thợ máy của Hamilton đã sang hỗ trợ sửa chữa để tay đua người Đức kịp dự vòng phân hạng tại Red Bull Ring.
Một chi tiết đáng chú ý là sau cuộc đua, Toto Wolff đã cử trưởng nhóm chiến thuật James Vowles lên nhận giải thưởng tập thể. Đây là chiến thắng thứ 40 của Mercedes trong kỷ nguyên động cơ tăng áp và nó đến trong một buổi chiều khó khăn, nhưng rất xứng đáng để vinh danh cho các chỉ đạo viên.
Verstappen một lần nữa khiến tất cả kinh ngạc
Sau chặng đua, Verstappen là người được các khán giả bầu danh hiệu Tay đua hay nhất tại Grand Prix Áo. Đây là phần thưởng xứng đáng cho tay đua măng non người Hà Lan. Thần đồng của Red Bull vừa giữ lốp tốt, mà vẫn duy trì được tốc độ ấn tượng, giữ được vị trí cho tới khi kết thúc trước sức tấn công từ chiếc xe của Ferrari vốn mạnh và có lợi thế từ bộ lốp mới hơn. Kết quả về đích thứ hai là một phần thưởng xứng đáng cho Verstappen.
Verstappen tiếp tục phải xuất phát sau đàn anh Ricciardo, nhưng sớm vượt qua được đồng đội khi xuất phát. Lúc anh chuyển sang dùng lốp mềm, Vettel đã phải bỏ cuộc, Verstappen lúc đó không còn gì để mất, khi Raikkonen vào pit muộn hơn và tụt xuống phía sau.
Nhiều người nghĩ rằng nếu vậy khi lốp xe bắt đầu xuống cấp, Raikkonen sẽ vượt qua Verstappen, nhưng nếu tay đua người Hà Lan vào pit ngay sau lão tướng của Ferrari, anh vẫn về đích sau Raikkonen. Vì vậy, khi xe an toàn xuất hiện và cho lốp xe cơ hội ngơi nghỉ, Red Bull đã lựa chọn việc tiếp tục sử dụng chiến thuật một pit để tìm cách về đích trước đối thủ. Dù theo dữ liệu thu được từ các buổi đua thử, Red Bull không dám chắc là lốp mềm có thể duy trì được suốt 56 vòng đua cuối.
Một số ý kiến thì nghi ngờ chiến thuật của Ferrari có sai sót. Hai tay đua của họ đều xuất phát với lốp Siêu mềm, một quyết định khôn ngoan từ vòng phân hạng. Điều này cho phép họ có nhiều tùy biến tốt hơn trong cuộc đua chính thức. Raikkonen vào pit ở vòng 22, có lẽ Ferrari không tự tin về khả năng duy trì bộ lốp thứ hai cho tới khi cuộc đua kết thúc.
Đáng ra Raikkonen phải được gọi về pit sớm hơn bốn hay năm vòng. Lúc đó anh đang có khoảng cách với Verstappen và khi thay lốp xong vẫn có thể giữ vị trí mà không bị đối thủ nhảy cóc qua. Một bất lợi khác với Raikkonen là ở cuộc đua chính thức anh không còn bộ lốp mềm mới mà chỉ có loại lốp đã chạy được ba vòng.
Dù vậy, lẽ ra sau đó tay đua người Phần Lan đã có thể vượt qua đàn em ở vòng cuối cùng. Tuy nhiên, việc cờ vàng được phất lên khi xe của Sergio Perez gặp tai nạn khiến Raikkonen không thể tăng tốc để tấn công Verstappen như dự định. Thời gian ít ỏi còn lại của vòng 71 là không đủ để Raikkonen vượt qua đối thủ.
Theo vnexpress.net