Trong suốt cuộc đối thoại này, chúng tôi nhận thấy rõ niềm đam mê mãnh liệt kèm với đó là một áp lực nặng nề mà ông Tuấn tự “đè” lên vai mình đối với công việc trọng đại mà hai thầy trò đang gánh vác. Trong rất nhiều lần phỏng vấn trước đây, câu nói: “Tôi lúc nào cũng sợ thất bại” được ông nhắc đi nhắc lại với tần suất đến… chóng mặt. Giờ thì có vẻ ít hơn một chút.
* Nếu cho ông một vài từ thật ngắn gọn để “kết luận” về Ánh Viên từ đầu năm đến giờ, ông sẽ dùng từ gì? Mà thôi, với người khó tính như ông, tôi dự đoán luôn nhé: Chưa hài lòng!
HLV Đặng Anh Tuấn: Bạn nhầm rồi. Cho tôi lược bớt chữ chưa nhé. Để tôi giải thích tại sao tôi lại hài lòng. Năm 2015, Ánh Viên trải qua hai đỉnh: Đỉnh thứ nhất là SEA Games 28 trong tháng 6, Viên đã thi đấu rất xuất sắc, đạt chỉ số chuyên môn rất cao.
Đỉnh thứ hai là giải vô địch bơi lội thế giới vào cuối tháng 8. Điều cực kỳ đáng mừng là ở giải thế giới, chỉ số ở nội dung sở trường và cũng là nội dung chiến lược của Viên là 400m hỗn hợp còn tốt hơn ở SEA Games 28.
Chỉ kém may mắn một chút khi Viên chưa thể vào chung kết nội dung này ở giải thế giới. Bởi dù sao, quãng thời gian giữa hai đỉnh từ SEA Games đến giải thế giới là quá ngắn.
Nhưng tôi xin nhấn mạnh một điều là, trong huấn luyện đỉnh cao, chỉ số chuyên môn mới là cái quan trọng. Tại giải thế giới, chỉ số chuyên môn của Viên đã tăng tiến so với cùng kỳ năm ngoái tại ASIAD 17 ở cả hai nội dung 400m hỗn hợp, 200m hỗn hợp.
Cú rướn cuối cùng của chu kỳ năm 2015 chính là Cúp bơi lội thế giới ở Nga - Viên cũng đã giành huy chương. Tuy nhiên, huy chương không phải là điều tôi mong chờ nhất ở giải đấu này mà quan trọng hơn là hình ảnh bơi lội của Việt Nam đã được quảng bá ra thế giới với một góc độ nhất định.
Như vậy, có thể kết luận tạm thời về Viên: Con bé đã hoàn thành nhiệm vụ. Vậy, phải hài lòng chớ!
* Sau SEA Games 28, Viên quay lại Mỹ và ông đã tiết lộ cho chúng tôi biết, Viên được đưa lên núi tập luyện. Còn có thêm điều gì đặc biệt nữa suốt mấy tháng qua?
HLV Đặng Anh Tuấn: Bắt đầu từ ngày 1.9, Viên đã bước vào chu kỳ huấn luyện ở mức độ cao hơn chu kỳ trước và sẽ kéo dài đến ngày 6.8.2016.
Chu kỳ này sẽ được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu là chuẩn bị chung, nhằm nâng cao các tố chất về thể lực, ưu tiên phát triển sức mạnh, sức bền nên Ánh Viên phải tập luyện với tải trọng cực lớn. Mà tập luyện tốt nhất chính là thông qua thi đấu và giải vô địch quốc gia nằm trong kế hoạch của giai đoạn chuẩn bị chung này.
* Xin hỏi ông câu này và có thể khiến ông khó chịu. Ông có… khó chịu không khi báo chí và cả một số chuyên gia thể thao phê bình ông là để Viên tham gia nhiều giải đấu “cỏn con”, không xứng với tầm của Viên?
HLV Đặng Anh Tuấn: Tôi bực mình và buồn nữa vì không ai hiểu Viên hơn tôi mà lại đưa ra những lời phán xét không chính xác về chuyên môn. Sở dĩ Viên đã đạt được những thành tích xuất sắc ở SEA Games 28 cũng nhờ vì từng trải qua thời kỳ tập luyện bằng những giải thi đấu lớn nhỏ khác nhau.
Tại Mỹ, tuần nào Viên cũng thi đấu. Kể cả không tham dự giải quốc gia, Viên cũng vẫn phải đăng ký ở những giải đấu có quy mô lớn bé mỗi tuần ở Mỹ cơ mà. Việc về nước tham dự giải quốc gia chưa bằng một góc thi đấu tại Mỹ đâu.
Nhưng các bạn ạ, cũng đừng nên nói Viên bơi ở giải trong nước, có những nội dung kém hơn cả chính cô. Trời ơi, giải quốc gia không phải giải đạt điểm rơi của Viên. Viên vừa qua hai đỉnh như tôi nói ở trên kìa. Cũng vì chỉ là giải tập luyện nên tôi không thể chạy theo thành tích. Giải nào mà cũng đòi hỏi Viên phải tốt thì Viên chỉ cần tập luyện trong vòng 10 ngày là vô địch thế giới rồi.
Cũng đừng nói Viên giỏi thế mà còn thua VĐV trẻ này, VĐV trẻ kia. Viên chưa từng bao giờ có ý định coi thường bất kỳ một đối thủ nào. Nhưng việc đặt ra thắng thua là thắng thua ngay trong con người Viên. Viên phải chiến thắng bản thân mình. “Đối thủ” của Viên là những mục tiêu mà thầy đưa ra.
Tôi luôn nói rất sợ Viên thất bại nhưng tùy từng giải đấu mà đặt ra những mục tiêu phấn đấu khác nhau. Để đi đến cái đích cuối cùng là gì: Viên sẽ phải đạt trạng thái sung sức thể thao nhất đúng vào Olympic Brazil 2016.
Sau khi rời khỏi Việt Nam, Viên quay lại Mỹ vào tuần tới và tiếp tục giai đoạn rèn luyện sức bền trong khoảng 16 tuần. Giai đoạn này cũng để nâng cao tố chất thể lực và cường độ còn cao hơn cả giai đoạn trước nữa cơ.
* Ông có lo sợ Viên không may bị chấn thương không?
HLV Đặng Anh Tuấn: Để tôi nói dài dòng thêm về chuyện mà dư luận cứ đổ tiếng ác cho ông Tuấn là cho Viên thi đấu nhiều giải quá.
Thế này nhé, mới đây, Viên dự giải vô địch trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan và tôi bắt đăng ký 12 cự ly - tương đương một tuần tập nặng. Ngay sau đó, Viên lại dự giải bơi Đại hội thể thao Quân sự thế giới với ít cự ly hơn - đây lại là thời điểm tương đương với tập thích nghi (không thể ép lấy chỉ số chuyên môn tốt vì sẽ khiến VĐV bị kiệt quệ). Nhưng liền đó là giải vô địch quốc gia tại Đà Nẵng - lại tương đương với thời kỳ tập nặng, mà đã tập nặng thì chỉ số không thể tốt. Đó là điều hiển nhiên.
Song, vấn đề cốt lõi mà người ngoài cuộc không thể hiểu được là: Thời gian này, chỉ số chuyên môn không quan trọng bằng những “chỉ số” bên trong như chỉ số huyết học, nồng độ Acid Lactic - những chỉ số thể hiện trình độ tập luyện của Ánh Viên.
Tôi lấy ví dụ, ở cự ly 400m, bằng thời điểm này năm ngoái, Viên đạt thành tích 4 phút 14 giây, và nồng độ Acid Lactic là 6 chấm. Năm nay ở giải vô địch trẻ Đông Nam Á, Viên đạt 4 phút 10 giây và nồng độ Acid Lactic là 4 chấm. Như vậy là trình độ có tiến bộ, tốt hơn mong đợi của tôi.
Còn về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời rõ thế này. Mỗi động tác quạt nước của Viên, tôi cũng phải tính toán và chỉ đạo sát sao ghê lắm. Mỗi mét bơi cũng thế. Lên bờ mà nếu Viên nói lại, thầy ơi, hôm nay con cứ thấy động tác cứ sao sao, là lập tức phải giở giáo án ra xem xét cần phải chỉnh đốn thế nào. Viên đang ở giai đoạn đốt năng lượng, đòi hỏi sợi cơ sức mạnh phải tăng lên. Vì thế, phải có phương pháp huấn luyện đúng và sự hồi phục tốt nhất để tránh chấn thương.
Công tác huấn luyện là gì: Là không phải làm cho VĐV bơi nhanh nhất mà phải làm cho VĐV hồi phục nhanh nhất thì dẫn đến điều tất yếu là VĐV sẽ bơi nhanh.
Những giải đấu Viên tham gia không là vô bổ, tôi xin nhắc lại nhé. Nó giúp tôi điều chỉnh kịp thời những điểm yếu của Viên. Tôi sợ Viên thất bại, sợ Viên đau, sợ Viên chấn thương, những nỗi sợ đó lớn hơn bất kỳ ai khác trên đời. Do đó, tôi phải nghiên cứu tài liệu dữ lắm. Áp lực làm tôi có đôi khi muốn buông bỏ và chỉ sợ đam mê bị suy giảm. Nhưng may quá, niềm đam mê nghề nghiệp nó còn lớn lắm. 11, 12 giờ đêm, còn cứ lọ mọ tra cứu thông tin…
* Dạo này ông còn hay… cáu gắt Ánh Viên của tôi nữa không đấy? Tôi cũng đang tò mò là Ánh Viên trải qua những thời điểm bị thầy quát như thế nào?
HLV Đặng Anh Tuấn: Vâng, tôi tự thừa nhận là tôi hay bị áp lực về công việc, luôn sợ Ánh Viên thất bại nên mặt lúc nào cũng nhăn nhó, rồi cả cáu gắt học trò nữa. Tôi hơi bị “phát xít” nữa là đằng khác. Nhưng mà tôi cũng phải nắm bắt diễn biến tâm lý của Viên chớ, sao bỏ qua trạng thái của con người trong toàn bộ quá trình đào tạo được.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định thêm nhiều lần nữa, Viên đúng là con người có ý chí kinh khủng lắm. Không có ý chí, sao vượt qua những lúc cực kỳ căng thẳng. Chắc con bé đã phải thích nghi dữ lắm với ông thầy như tôi (cười).
Hôm trước, tờ tạp chí Đẹp đã nhờ tôi viết một bài về ông Tuấn. Tôi bảo ông Tuấn, tranh thủ lúc về nước, tìm quyển tạp chí đó mà đọc vì: “Có thể nó sẽ là động lực nho nhỏ giúp ông vượt qua sự căng thẳng và chỗ dựa tinh thần cho cả hai thầy trò đấy!.
Bạn có biết chỗ dựa tinh thần duy nhất của tôi là gì không? Là làm sao Viên có thành tích tốt, không bị thất bại".
Theo thethaovietnam.vn